95% giá trị xuất khẩu hàng điện tử thuộc khối ngoại

19/04/2021 17:35 GMT+7

“Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn linh kiện nhập khẩu”.

Nhận định trên được đưa ra bởi Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) trong Báo cáo 70 năm ngành công thương Việt Nam.

Tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp điện - điện tử chỉ đạt 5-10%

Theo Cục Công nghiệp, Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn, ở vị trí thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng có khoảng 95% giá trị thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Năm 2019, sản lượng sản xuất điện thoại di động đạt 215,2 triệu cái; sản phẩm ti vi ước tính đạt 14,626 triệu cái. Hầu hết sản phẩm ngành điện tử tăng trưởng khá cao, đạt và vượt kế hoạch đề ra.

độc lập

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu ngành điện tử năm 2019 của Việt Nam đạt trên 87 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ 2010 - 2019 trên 50%, cao nhất thế giới. Năm 2020, tính đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử ước đạt khoảng 69 tỉ USD, trong đó điện thoại di động và linh kiện ước đạt hơn 36,6 tỉ USD, sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt hơn 32,2 tỉ USD.

Báo cáo của Cục Công nghiệp chỉ ra, giai đoạn từ năm 2006 - 2019, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thiết bị truyền thông có tốc độ tăng trưởng bình quân 62%; ngành linh kiện điện tử và ngành máy vi tính và thiết bị ngoại vi tăng trưởng đạt lần lượt 42% và 19%; nhóm ngành thiết bị điện tử khác và nhóm ngành điện tử dân dụng đạt lần lượt là 39% và 35%. Mặc dù vậy, đơn vị này nhìn nhận, năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Dù có một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi như điện thoại BPhone, Vsmart, Vietel... song thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.

Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chủ yếu là do năng lực của doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các doanh nghiệp FDI. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt”, Cục Công nghiệp nêu cụ thể.

Cần xây dựng hàng rào bảo vệ và định hướng sản phẩm chiến lược

Thực tế, trong thời gian qua, Bộ Công thương có triển khai một số chương trình, dự án hợp tác quốc tế, kết nối với doanh nghiệp FDI, nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa gia nhập vào chuỗi cung ứng của các FDI. Chẳng hạn, riêng với Samsung Việt Nam, số nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt cho tập đoàn này đã tăng từ 4 nhà cung ứng năm 2014 lên 35 nhà cung ứng năm 2018. Panasonic Việt Nam hiện cũng có 4 doanh nghiệp Việt cung ứng sản phẩm, song giá trị cung ứng mới chỉ chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào sản xuất của Panasonic. Canon Việt Nam cũng liên tục tìm kiếm nhà cung cấp Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Công nghiệp, ngành điện - điện tử vẫn thiếu sản phẩm chủ lực mang tính chiến lược để dẫn dắt thị trường. Thế nên, để chủ động, giúp phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử, theo Cục Công nghiệp, Chính phủ cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…). Đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp nội địa triển vọng trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt với các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.

Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam, thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Cục Công nghiệp cũng lưu ý doanh nghiệp điện tử cần chú trọng sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.