Ám ảnh ùn tắc đô thị Hà Nội: Chính sách thiếu tầm nhìn sẽ 'chắp vá'

03/01/2021 13:00 GMT+7

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, nếu chỉ tập trung xử lý vấn đề ùn tắc trong nội đô Hà Nội mà thiếu tầm nhìn rộng hơn sẽ không bao giờ giải quyết dứt điểm được.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm

Ảnh M.H

 
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm về các giải pháp cụ thể để giảm ùn tắc giao thông cho Hà Nội.

Mới chỉ có giải pháp tình thế

 
*Ùn tắc giao thông vẫn là vấn nạn trầm kha của Hà Nội, theo ông, phải chăng các giải pháp chống ùn tắc của Hà Nội đang thiếu hiệu quả?
Vừa rồi Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đưa ra 5 nhóm giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, nhưng đây mới chỉ là các giải pháp tình thế mà chưa giải quyết được các vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất, trong các quy hoạch, nghị quyết từ năm 1998 đến nay đều khẳng định, đô thị như Hà Nội cần tối thiểu 20-25% diện tích đất dành cho giao thông. Nhưng việc mở đường quá chậm trễ, khiến diện tích đất dành cho giao thông tới nay mới chỉ đạt khoảng 10%, tức là một nửa của yêu cầu tối thiểu.
Trong khi đó, phương tiện giao thông cá nhân lại gia tăng quá nhanh. Năm 2020, Hà Nội có hơn 7 triệu phương tiện giao thông, trong đó riêng ô tô đã tới 800.000 xe, tốc độ tăng 12%. Các giải pháp để hạn chế xe cá nhân như kiểm định khí thải, thu phí xe vào nội đô vẫn chưa thực hiện được.
Thứ hai, cơ cấu phát triển giao thông không hợp lý, chủ yếu chỉ giao thông cá nhân phát triển, giao thông công cộng không có sức hút, xe buýt đang chật vật, xe buýt nhanh thì không hiệu quả, đường sắt đô thị chưa khai thác được.
Thứ 3, giải pháp quản lý giao thông vài năm nay rất lúng túng, lúc thì cấm đường này hạn chế đường kia. Ngoài giải pháp về đèn xanh đèn đỏ mấy chục năm nay thì chưa có gì đổi mới. Ngay cả vấn đề đỗ xe, lúc thì cấm không được đỗ xe, lúc lại cho đỗ xe thí điểm trên vỉa hè... Đường Lê Văn Lương - Tố Hữu mặt đường rất hẹp nhưng vẫn cấm 1 bên làn dành cho xe buýt nhanh khiến đường càng tắc nặng nề.
Thứ 4 là mô hình phát triển đô thị, nếu tập trung vào phát triển các đô thị vệ tinh theo đúng luật Thủ đô sẽ giảm được áp lực cho dân sô vào nội đô. Ngoài ra có thể phát triển các vùng lân cận như Phủ Lý (Hà Nam), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)... tạo sức hút về việc làm, để giảm tỷ lệ người lao động ngoại tỉnh đổ về thủ đô sinh sống, làm việc.
* Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cảnh báo với tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay thì không hạ tầng nào chịu đựng nổi. Ông nghĩ gì về cảnh báo này?
Đúng là không đường xá nào mở kịp với tốc độ phát triển phương tiện cá nhân như hiện nay. Vì thế, nếu chống ùn tắc giao thông chỉ tập trung các giải pháp cho khu vực nội đô mà không nhìn rộng ra thì chỉ là các giải pháp chắp vá. Ví dụ mục tiêu lâu dài sẽ là cấm xe máy vào khu vực nội đô, thu phí phương tiện với ô tô vào khu vực trung tâm, nhưng lại chưa có quy hoạch cụ thể về các bãi đỗ xe ở vùng ven vành đai 2, vành đai 3. Trong khi vẫn đề xuất xây dựng các bãi đỗ xe tại các khu vực trung tâm. Chính sách thiếu tầm nhìn sẽ rất cục bộ, chắp vá.
Nhìn rộng ra, nếu phát triển được mô hình 5 đô thị vệ tinh, sẽ tạo ra được quỹ đất gần 20.000 héc ta, bằng toàn bộ diện tích đất của khu vực nội đô lịch sử, giải quyết được nơi ở rất đẹp cho dân số tương đương với 15% dân số thủ đô (1,4 triệu dân). Đô thị vệ tinh mới là nền tảng, cứu cánh cho Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu 2030 hoàn tất 5 đô thị vệ sinh của Hà Nội, nhưng với tốc độ xây dựng, phát triển các khu đô thị vệ tinh như vừa qua sẽ tạo ra gánh nặng cho các nhiệm kỳ sau.

Chậm phát triển khu đô thị vệ tinh, áp lực dân số đè nặng lên các khu vực nội đô Hà Nội, bất chấp nỗ lực cải thiện hạ tầng tại khu vực này

Ảnh Ngọc Thắng

Cần chính sách đặc thù phát triển đô thị vệ tinh

* Theo ông, cần có chính sách gì để phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội, thoát khỏi tình trạng dậm chân tại chỗ nhiều năm nay?
Luật Thủ đô từ cách đây 10 năm đã đặt ra vấn đề phát triển 5 đô thị vệ tinh, nhưng tới nay mới chỉ khu Hoà Lạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quy hoạch được công bố tháng 7.2020- PV). 4 đô thị còn lại là Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn đến nay vẫn chưa được Hà Nội phê duyệt quy hoạch, vì thế chưa đầy đủ pháp lý, cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư.
Các nước đã rất thành công với mô hình đô thị vệ tinh như Thượng Hải (Trung Quốc) đã phát triển các khu đô thị vệ tinh giảm dân số cho vùng lõi, phát triển mạng kinh tế liên vùng. Các đô thị vệ tinh phụ thuộc vào đô thị trung tâm, nhưng đô thị vệ tinh của Hà Nội lại đang áp dụng “sáng tạo”, độc lập tương đối với đô thị trung tâm nên chưa triển khai được.
Lần này Đảng bộ TP.Hà Nội cũng đặt mũi nhọn phát triển khu công nghệ cao Hoà Lạc, nhưng nếu chỉ có khu công nghệ cao, các trường đại học mà không có khu nhà ở thì không hấp dẫn được người dân về đó sinh sống. Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) khi xây dựng thêm thủ đô mới cũng đã có chế độ ưu đãi về nơi ở cho người dân, mới tạo sức hút cho người dân di dời nên nơi ở mới.
Trong khi đó, chính sách ưu tiên cho khu đô thị vệ tinh của Hà Nội lại chưa được chú trọng, còn quá chậm. Nói cách khác, trong nhiệm kỳ này, Hà Nội cần đẩy mạnh việc quy hoạch, phê duyệt và đưa ra các chính sách đặc thù, ưu đãi về thuế, đất đai... để phát triển đô thị vệ tinh.
Quy hoạch thiếu đồng bộ
 
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng:
Nguyên nhân của ùn tắc đô thị do việc lập quy hoạch chưa đồng bộ, triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc T.Ư còn chậm và thiếu đồng bộ giữa các chuyên ngành. Chính những điều này dẫn đến việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội không theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu đầu tư các dự án phát triển đô thị, nhà ở. Chất lượng một số đồ án quy hoạch hiện nay chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và phát triển đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị VN, đặc biệt các thành phố lớn, phát triển nhanh về số lượng nhưng lại chủ yếu là đô thị nhỏ loại IV, V, chất lượng phát triển còn hạn chế.
Ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội:
Để có giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của thủ đô, Sở Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp như tiếp tục hoàn thành các quy hoạch; hoàn thiện, triển khai các chương trình, kế hoạch. Đặc biệt là các đề án quy hoạch đô thị vệ tinh; quy hoạch chuyên ngành; chương trình phát triển đô thị; cải tạo chung cư cũ; kế hoạch, đề án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các dự án phát triển đô thị, hạ tầng khung; bảo tồn, phát huy giá trị đô thị cũ kết hợp chỉnh trang đô thị; kết nối hạ tầng giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh và đẩy mạnh đô thị hóa ở các đô thị vệ tinh. Tập trung vốn ngân sách để xây dựng hạ tầng khung và đầu mối ưu tiên, quan trọng; xây dựng các cơ chế ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
                                                                                                               Lê Quân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.