Báo cáo của Chính phủ về nợ công cho thấy, nợ công VN đã ở ngưỡng 3,2 triệu tỉ đồng. Tính trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công. Xét về con số GDP thì nợ công 2018 đã thấp hơn nhiều so với trước đó và kể cả so với chỉ tiêu nợ công đã được Quốc hội cho phép. Theo báo cáo thì nợ công tính đến cuối năm 2018 chỉ còn 58,4% GDP trong khi mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP. Đồng hồ nợ công toàn cầu ngày 18.6.2019 cũng cho thấy, nợ công VN giảm hơn mấy năm trước, hiện chiếm 45,6% GDP và trung bình mỗi người Việt đang gánh 1.039,67 USD nợ công (tương đương khoảng 24,5 triệu đồng).
Vay để trả nợ gốc và bù bội chi
|
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, cho rằng đây là tín hiệu đáng khích lệ trong bối cảnh nỗi lo nợ công ngày càng gia tăng của VN. “Các khoản vay nhà nước phải bảo lãnh cho khu vực doanh nghiệp nhà nước vay trước đây nay đã giảm nhiều. Đây cũng là một trong những lý do khiến nợ công giảm”, TS Độ nhận định. Còn PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá, những con số về nợ công trong báo cáo Chính phủ mới đây cho thấy một “tương lai xán lạn hơn”. Ông nói: “Thực ra, thế giới đánh giá cao hơn khi nợ công chúng ta giảm đi. Nói cách khác, rõ ràng chúng ta đang có bước tiến quan trọng trong quản lý kiềm chế nợ công”.
Tuy nhiên, dấu hiệu đáng mừng này khó trọn vẹn khi nhiều khoản nợ của Chính phủ đang “xếp hàng” chờ đến kỳ hạn phải trả. Áp lực về các khoản vay sắp đến hạn trả cũng đã được đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đề cập đến và cho rằng, đó là một trong những vấn đề gây tác động đến sự an toàn nợ công của VN. Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, nợ công phải trả trong năm 2018 khoảng 250.000 tỉ đồng. Trong đó, trả nợ trong nước là 198.907 tỉ đồng, trả nợ nước ngoài hơn 51.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý, gần một nửa trong số tiền trả nợ trong nước năm ngoái chỉ để trả lãi (hơn 97.000 tỉ đồng). TS Độ cho rằng, nhiều khoản vay trong nước hạn 5 năm, rồi khoản vay vốn ODA đang đến kỳ hạn phải trả lãi, một số phải trả cả gốc nên gia tăng áp lực vào nợ công trong thời gian tới.
Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, áp lực phải trả nợ gốc đang tăng mạnh trong 3 năm gần đây. Năm 2017 phải trả 144.000 tỉ đồng, năm 2018 trả hơn 146.000 tỉ đồng, dự kiến năm 2019 là gần 200.000 tỉ đồng. Đó là chưa tính khoản vay bù vào bội chi ngân sách nhà nước cũng đang tăng mỗi năm. Năm 2017, vay bù bội chi ngân sách và vay trả nợ gốc khoảng 340.000 tỉ đồng, năm 2018 lên 363.000 tỉ đồng và năm nay dự tính lên đến 425.000 tỉ đồng. Như vậy, để có số tiền lớn để trả nợ, Chính phủ phải vay tiếp. Để có tiền bù đắp bội chi ngân sách, cũng phải vay.
Giảm vay, siết chi tiêu
|
Nợ công và vay để trả nợ công lẫn bù bội chi ngân sách, theo TS Nguyễn Đức Độ là hai vấn đề khác nhau. Áp lực hiện tại của việc phải có tiền để trả nợ công do các khoản vay trước đây được cơ cấu khá ngắn hạn, hoặc ngay các khoản vay dài hạn cũng đã đến kỳ phải trả rồi. Thế nên, thời gian tới bảo áp lực phải trả là có. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra trong một số năm tùy theo kỳ hạn của mỗi khoản vay. Con số nợ phải trả từ 146.000 tỉ lên 200.000 tỉ đồng trong năm nay chính là áp lực. Giải pháp trước mắt là phát hành trái phiếu chính phủ, vay nước ngoài bù lại, cơ cấu giãn thời gian vay nợ ra, cơ cấu để cân bằng lãi suất và cả thời hạn vay không quá ngắn gây tăng áp lực.
“Giải pháp lâu dài để giữ mức nợ công thấp hơn có thể, cần phải giảm chi ngân sách nhà nước. Cụ thể giảm chi cho những bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả, giảm chi thường xuyên, mới mong giảm bội chi, từ đó giảm vay nợ công”, TS Độ đề nghị.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lợi thế cho việc vay của Chính phủ sau này là vay trong nước nhiều hơn nước ngoài. Ông nói: “Nợ công về mặt cơ cấu đã và đang có thay đổi đáng kể, nợ trong nước đang lớn lên nhưng nợ nước ngoài giảm đi. Lãi nợ công trước đây vay trong nước tương đối cao, từ 10 - 12%, nhưng nay chúng ta đang huy động thị trường trái phiếu với mức lãi suất bình quân dưới 6%. Phát hành trái phiếu để vay nợ trong nước là cần thiết bởi càng vay nước ngoài nhiều, trả lãi theo ngoại tệ sẽ dễ bị áp lực hơn. Thứ nữa, nợ vay trong nước trước đây bình quân 3 năm nay khoản vay cao hơn, giãn ra nhiều, lên 5 - 10 năm, thậm chí hơn 12 năm. Ngoài ra, khoản nợ công khu vực nước ngoài, nợ Chính phủ vẫn là khoản nợ tương đối lớn, chủ yếu vay bằng khoản vay ưu đãi, vay ODA và lãi suất thấp khoảng 2,8% và thời gian tương đối dài, bình quân 18 năm”.
Vấn đề để quản lý lâu dài với nợ công theo chuyên gia này là phải cân đối thu chi, giảm thiểu vay, siết chặt chi tiêu. Phải có chiến lược lượng thu để chi. Không thể “thắt lưng buộc bụng” cho chi để phát triển nhưng phải có bộ máy kềm việc chi lãng phí.
Bình luận (0)