|
Là đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại và trung tâm tài chính, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, TP.HCM là nhân tố tiềm năng nhất trong mục tiêu hướng tới vị thế mới, vươn hoạt động ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia để trở thành trung tâm tài chính khu vực và xa hơn là quốc tế.
Mặc dù khi so sánh với các thành phố lớn khác ở châu Á dựa trên hai tiêu chí quan trọng là sức hút thương mại và quy mô kinh tế thì xếp hạng cạnh tranh của TP.HCM còn hạn chế. Ngoài ra, theo đánh giá của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, TP.HCM hiện đã có hình hài tương đối đầy đủ của một hệ thống tài chính tiêu chuẩn, nhưng vẫn chưa được xem là một trung tâm tài chính quốc tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh triển vọng thị trường có nhiều biến động, nếu TP.HCM tận dụng tốt những lợi thế tự nhiên như vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực và quy mô thị trường thì vẫn có nhiều cơ hội nâng cao vị thế. Bên cạnh đó, chiều hướng chuyển biến về vị thế của các trung tâm tài chính tại khu vực những năm gần đây, với yếu tố đang ngày càng trở nên quan trọng là chiến lược phát triển, đang mở ra cơ hội cho TP.HCM điền tên mình lên bản đồ với vai trò là một điểm đến chuyển mình mạnh mẽ.
|
Có nhiều tiêu chí để đánh giá về một trung tâm tài chính, nhưng theo giới chuyên gia, 5 khía cạnh cốt yếu nhất mà bất kỳ thành phố nào cũng cần lưu tâm gồm: vốn con người; môi trường kinh doanh; cơ sở hạ tầng (bao gồm cả cứng và mềm); phát triển ngành và danh tiếng. Thứ nhất, đối với trung tâm tài chính, nguồn nhân sự kỹ năng, chất lượng cao đặc biệt thiết yếu. Bên cạnh số lượng và chất lượng của nhân sự, tính linh hoạt của thị trường lao động cũng là một điểm cần lưu ý. Ngoài ra, năng lực tiếng Anh cũng mang lại lợi điểm cho sự hình thành của một số trung tâm tài chính quốc tế. Thứ hai, để thu hút được các tổ chức, công ty, dịch vụ tài chính, môi trường kinh doanh phải có tính cạnh tranh cao. Những yếu tố đặc biệt được lưu tâm gồm sự ổn định chính trị và thượng tôn pháp luật, môi trường thể chế và điều tiết, môi trường kinh tế vĩ mô và tính cạnh tranh về thuế, phí. Thứ ba, để hình thành trung tâm tài chính, thành phố phải có hệ thống hạ tầng phát triển, có tính kết nối cao; đồng thời đòi hỏi sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, an toàn mạng và cơ sở hạ tầng mềm (trong đó hệ thống luật pháp và các quy định điều tiết tài chính đóng vai trò then chốt). Thứ tư, các tổ chức, công ty tài chính có tính liên kết cao, quan hệ tương tác nhiều, do đó sẽ có xu hướng hội tụ về nơi khu vực hoạt động, dịch vụ tài chính phát triển. Độ sâu và chiều rộng của cụm ngành công nghiệp tài chính cùng với nguồn vốn dồi dào và tính thanh khoản của thị trường là những yếu tố quan trọng. Thứ năm là thành phố phải tạo dựng tiếng vang, cuốn hút bằng nhiều hình thức khác nhau.
Để đạt được những tiêu chí này, thành phố phải đặt rõ lộ trình ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo phân tích của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, một trong những lựa chọn khả dĩ là định hướng đưa TP.HCM thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại của khu vực Đông Nam Á, trong đó trọng tâm là trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Có thể thấy định hướng phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn và nhiều hoạt động đa dạng, phát triển đồng bộ các loại thị trường tài chính đòi hỏi sự tham gia ủng hộ, nỗ lực, quyết tâm của nhiều cấp, ban, ngành.
Những nội dung thảo luận cốt lõi về vấn đề trên được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế thành phố 2019 với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” diễn ra vào ngày 18.10. Diễn đàn nhằm góp phần định hướng, xây dựng Đề án phát triển thành phố trở thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế do UBND TP giao cho Công ty đầu tư Tài chính TP.HCM phối hợp cùng Trường ĐH Fulbright Việt Nam thực hiện nghiên cứu. Diễn đàn dự kiến sẽ có sự tham dự của hơn 800 đại biểu trong và ngoài nước. Sự kiện có sự đồng hành của các nhà tài trợ vàng gồm Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam, Tập đoàn Novaland, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Hưng Thịnh và nhà tài trợ bạc là Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital.
|
Bình luận (0)