'Bài toán' nào đang chờ tân Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên?

08/04/2021 17:19 GMT+7

Bộ Công thương vừa có “tư lệnh” mới . Một trong những bộ trưởng có nhiều khác biệt nhất so với những người đồng cấp vừa được Quốc hội phê chuẩn hôm nay.

"Đi thẳng" về bộ

Đầu tiên, ông Diên (56 tuổi) không phải là “nhân sự tại chỗ” như các trường hợp của Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, hay như người tiền nhiệm Trần Tuấn Anh 5 năm trước.

Quốc hội bầu 2 phó thủ tướng và 12 bộ trưởng mới của chính phủ

Ông Diên cũng không có nhiều thời gian để tìm hiểu về vị trí công việc mới “từ bên trong” như các ông Lê Minh Hoan ở Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Văn Hùng ở Bộ VH-TT-DL, hay trường hợp của bà Phạm Thị Thanh Trà ở Bộ Nội vụ, hoặc như ông Trần Văn Sơn ở Văn phòng Chính phủ. Những trường hợp vừa kể trên được Bộ Chính trị điều động về làm Thứ trưởng hơn nửa năm trước. Còn tân bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thì hôm nay “về thẳng” từ Ban Tuyên giáo T.Ư.
Tân Bộ trưởng Công thương cũng không phải là “người trong ngành” như trường hợp của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, hay Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Dù không có cơ hội làm việc trong ngành trước khi ngồi ghế Bộ trưởng, song bù lại, ông Nguyễn Hồng Diên từng trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ Đoàn, đến công tác tuyên giáo, cùng thực tiễn kinh nghiệm ở địa phương khá phong phú, khi từng giữ cả 3 vị trí đứng đầu tỉnh Thái Bình là Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư tỉnh uỷ.
Ông Diên có bằng cao cấp thanh vận, cử nhân lịch sử - giáo dục, cử nhân kinh tế và tiến sĩ quản lý hành chính công. Con đường sự nghiệp của ông hầu hết thời gian công tác gắn với quê hương Thái Bình.
Điểm thuận lợi là ông có bằng cử nhân kinh tế. Tuy nhiên, với tính chất là một siêu bộ quản lý từ nội thương đến kinh tế quốc tế; quản lý từ sản xuất công nghiệp đến lưu thông hàng hoá, xuất nhập khẩu,… thì chắc rằng ông sẽ phải bỏ ra không ít thời gian để tìm hiểu, để “làm quen”. Có điều, nền kinh tế với những động cơ chính là sản xuất công nghiệp, năng lượng, hội nhập kinh tế quốc tế đều đang trong một giai đoạn cần tăng tốc, không có nhiều thời gian cho sự chần chừ, và cần ông "xắn tay áo ngay".

Những bài toán hóc búa

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương hồi đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy đã ví Bộ Công thương như người “cầm trịch” cỗ xe tam mã của nền kinh tế, với 3 động lực tăng trưởng chính gồm, tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư.
Với bài toán xuất khẩu, có chuyên gia ví von rằng, người tiền nhiệm của ông Diên là nguyên Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã để lại cho ông một mảnh đất khá màu mỡ và trù phú! Khi mà trong 5 năm qua, xuất khẩu gắn với hội nhập kinh tế đi hết từ kỷ lục này đến kỷ lục khác cả về giá trị xuất khẩu, cán cân thương mại (xuất siêu) và mở cửa thị trường.
Việc liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới với quy mô rất lớn từ CPTPP, EVFTA, RCEP để đưa Việt Nam vào danh sách những nước có độ mở nền kinh tế lớn nhất thế giới rõ ràng đã mở ra một cánh cửa rộng lớn cho xuất khẩu tới đây.
Nhưng, việc tận dụng cơ hội trong những hiệp định tự do vốn chưa bao giờ là điểm mạnh của Việt Nam sẽ là bài toán hóc búa cho ông Diên. Đành rằng xuất khẩu dù tăng mạnh trong mấy năm liền, nhưng nhập khẩu vẫn còn lớn và nhiều ngành công nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn cung cấp trong nước. Bài học của dệt may, của điện tử, hay ô tô hồi tháng 4 năm ngoái khi Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn còn nóng hổi. Lợi thế cạnh tranh của hàng Việt chủ yếu vẫn dựa trên giá cả, chứ chưa phải dựa trên giá trị. Chưa có nhiều thương hiệu quốc gia tầm cỡ để hiện diện trên bản đồ thế giới một cách thường xuyên. Thậm chí, hàng Việt trong các siêu thị vẫn còn lép vế so với hàng có nguồn gốc nhập khẩu. Cho nên, liệu cánh đồng cho xuất khẩu có là bất tận, màu mỡ hay không thì “người cày” phải cần một tư duy mới.
Trong khi đó, “phương trình 2 nền kinh tế trong một quốc gia” của ngành công nghiệp cũng là một bài toán khó không kém. “Làm sao để công nghiệp vốn phụ thuộc lớn vào khối FDI ăn khớp với nền sản xuất nội địa, tạo ra sự lan toả, kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước” vốn là đề bài được rất nhiều lãnh đạo cao cấp đặt hàng Bộ Công thương trong vài năm qua.
Thông điệp của Nhà nước ta là không phân biệt các thành phần kinh tế, đảm bảo sự bình đẵng trong cách tiếp cận nguồn lực… Song ai cũng hiểu, một quốc gia mà công nghiệp mũi nhọn thiếu và yếu, không do doanh nghiệp nội làm chủ thì không thể có sự phát triển bền vững và lan toả được. Câu chuyện nhiều lãnh đạo địa phương đứng ngồi không yên khi những ông lớn FDI trong ngành điện tử, ngành thép, hoặc trước đó là ngành ô tô “hắt hơi sổ mũi”, đã để lại những bài học rất sinh động.
Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện lớn của ngành mang tính dài hơi, đòi hỏi tư duy chiến lược của một vị thuyền trưởng dong thuyền ra biển lớn, thì ngay trước mắt thôi, ngành công thương mà ông Diên tiếp quản cũng còn nhiều việc cần một "đốc công".
Đó là câu chuyện của ngành điện với một loạt vấn đề dân sinh bức xúc; rồi lối ra nào cho người dân làm điện mặt trời? Thêm nhà máy điện Thái Bình 2 của ngành Dầu khí nằm dầm mưa dãi nắng trên chính quê hương ông suốt mấy năm qua chưa hẹn ngày về đích…
Miếng bánh doanh thu tiền điện chỉ có vậy, làm sao phải chia cho khéo cho người sinh hoạt - cho doanh nghiệp sản xuất - người làm dịch vụ… để đảm bảo công bằng, để không “bù chéo” mà vẫn đảm bảo giá điện hợp lý cho ngành điện thu hút đầu tư, nhằm “đi trước một bước” cho giai đoạn công nghiệp hoá nhanh hơn tới đây sẽ là một vấn đề rất cần sự kết hợp của một cử nhân kinh tế, tiến sĩ quản lý hành chính công, và từng có quãng thời gian làm công tác tuyên giáo với bằng cao cấp thanh vận như ông Diên.

Ông Nguyễn Hồng Diên (thứ 2, phải qua) cùng người tiền nhiệm Trần Tuấn Anh (nay là Trưởng ban Kinh tế T.Ư) tại "điểm nóng" Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào năm 2019, khi ông là Bí thư tỉnh ủy Thái Bình.

Ảnh PVN

“Điện với dầu như bầu với bí”. Câu chuyện tiền điện, giá điện bắt đầu nóng lên thì vấn đề nạn xăng giả như một vết dầu loang ra các tỉnh phía Nam đang được cả Bộ Công an và công an các địa phương vào cuộc cũng rất cần tư lệnh mới của ngành công thương lên tiếng. Dẫu rằng, quản lý chất lượng xăng dầu là câu chuyện của nhiều ngành, từ đo lường, khoa học công nghệ,… nhưng với tư cách là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương không thể đứng ngoài.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.