Dự án chồng dự án, đường phố “nghẹt thở”
Khoảng 16 giờ 30 ngày 26.11, đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ phía Q.1 (giao đường Tôn Đức Thắng) kéo dài đến gần khu vực cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh), xe cộ chen chúc nhau nhích từng chút một. Dù đã cố đi trước giờ tan tầm một chút nhưng chị Khánh Huyền (ngụ Q.4) cũng không thoát khỏi ùn tắc. Ngày 2 lần đưa/đón con nhỏ đi học qua tuyến đường này, chị Huyền lắc đầu ngao ngán: “Chiều đi đón con từ cơ quan ở Q.3 nên tôi phải đi qua đường Tôn Đức Thắng, vòng qua Nguyễn Hữu Cảnh. Rào chắn thi công chiếm hết quá nửa mặt đường khiến đường Tôn Đức Thắng thường xuyên kẹt cứng, đi tránh xuống Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không khá hơn. Buổi sáng, tôi đi từ nhà qua cầu Thủ Thiêm (Q.2) để tránh ùn tắc nhưng đến khi cập vào đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng khốn khổ, không thoát được. Gần như lúc nào di chuyển qua đây cũng bị kẹt xe”.
TS Võ Kim Cương: “Cần lần từ nguyên nhân, nút thắt để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Quy định đền bù bất cập ở đâu thì giải quyết ở đó, cấp này không được thì nhanh chóng chuyển lên cấp cao hơn. Người lãnh đạo hứa mốc thời gian thì phải có cơ sở, đề ra kế hoạch rõ ràng để thực hiện lời hứa, nếu không làm được thì phải có chế tài quy trách nhiệm rõ ràng. Không thể để chậm tiến độ, đội vốn trở thành thương hiệu của các dự án tại TP.HCM như hiện nay được”
|
Không chỉ đường Tôn Đức Thắng, lượng xe cộ dồn ứ còn đẩy ách tắc lan sang cả các tuyến đường khác. Mạng lưới đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Tất Thành, phía từ Q.4 hướng qua Q.1 chỗ cầu Khánh Hội hay cả đường lớn như Lê Duẩn cũng thường xuyên xuất hiện tình trạng xe máy, ô tô chen nhau, nhất là vào giờ cao điểm.
Chưa kịp giải thoát nút thắt Tôn Đức Thắng, ngày 5.10.2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP chính thức khởi công dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, như một “cú đánh bồi” giáng vào mạng lưới giao thông khu vực này. Dù phía chủ đầu tư đã chọn phương án thi công cuốn chiếu từng đoạn nhưng với tình trạng giao thông hiện hữu, chỉ 1 chiếc xe máy chạy chậm cũng đủ khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh “thất thủ”, chưa nói đến hàng km lô cốt chiếm dụng thêm gần nửa con đường. Ít nhất 2 lần 1 ngày, vào khung giờ cao điểm, đường Nguyễn Hữu Cảnh bỗng trở thành bãi đậu xe khổng lồ, lộn xộn xe máy, ô tô, còi xe inh ỏi. Vào mùa mưa, bãi đậu xe kiêm “rốn ngập” này càng trở thành nỗi ám ảnh của người dân TP.
|
Cầu vươn tới giữa sông thì ngưng
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 (bắc qua sông Sài Gòn nối Q.1 và Q.2) là 1 trong những dự án công trình giao thông trọng điểm và là điểm nhấn kiến trúc khu trung tâm của TP.HCM. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 30.4.2020. Thế nhưng, sau hơn 5 năm kể từ ngày động thổ, công trình cầu Thủ Thiêm 2 vẫn giậm chân tại chỗ và “đứng hình” giữa dòng sông khi đã hoàn thành tới 70% khối lượng thi công.
Theo thông tin từ phía chủ đầu tư - Công ty cổ phần địa ốc Ðại Quang Minh, công trình hiện đã hoàn thành 70% khối lượng. Kết cấu trụ tháp S2 giữa sông đã thi công được 27 trong số 34 đốt trụ, hoàn thành sản xuất 100% dầm thép tại bãi và lắp đặt được 11 trong số 17 đốt. Phần vật tư dây văng đã được nhà thầu nhập khẩu 100% khối lượng từ châu Âu về tập kết tại công trường; thi công căng cáp dây văng đã đạt 36 trong số 56 bó cáp. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng phía Q.1, nhịp cuối cùng của cầu Thủ Thiêm 2 không thể thi công nối từ Q.1 sang Q.2. Cụ thể, phần cầu dẫn phía Q.1 đã hoàn thành kết cấu dầm đoạn từ đường Nguyễn Trung Ngạn đến đoạn phần đường cong tuyến Tôn Đức Thắng (gần ga ngầm Ba Son thuộc metro Bến Thành - Suối Tiên) nhưng nhà thầu chưa được giao mặt bằng để thi công nhánh cầu N1 từ công trường Mê Linh chạy dọc đường Tôn Ðức Thắng, cặp theo sông Sài Gòn kết nối vào cầu chính. Nhánh N2 nối từ Q.2 xuống đường Tôn Ðức Thắng trước giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn cũng đang “tắc”.
Ngoài vướng mắc mặt bằng, phía Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh còn kiến nghị UBND TP sớm giải quyết khó khăn trong xác nhận khối lượng và giá trị thực hiện của dự án, để thanh toán bằng việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở một dự án khác theo đúng hợp đồng.
Thực tế, từ năm 2016, chủ đầu tư đã liên tục gửi văn bản đến UBND TP.HCM và các sở ngành đề nghị sớm bàn giao gần 11.115 m2 đất khu Nhà máy Ba Son và 1.607 m2 đất quân đội cho dự án cầu Thủ Thiêm 2 để kịp hoàn thành dự án vào 2018 theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc không được giải quyết khiến dự án phải nhiều lần phải gia hạn, mới nhất đã đồng ý cho chủ đầu tư kéo đích tới tháng 9.2021. Mốc thời gian này có thể đạt được hay không cũng chưa thể khẳng định bởi trong cuộc họp hồi tháng 7 năm nay, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo trước ngày 10.9 phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án. Tiếp đó, ngày 19.9, sau khi TP cùng Tổng công ty Ba Son, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) làm việc và thống nhất hướng giải quyết liên quan bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án, Phó chủ tịch UBND Võ Văn Hoan tiếp tục đặt mốc gỡ vướng mặt bằng cho cầu Thủ Thiêm 2 trước ngày 15.10, đồng thời khẳng định không để dự án chậm trễ hơn nữa… thế nhưng, chỉ đạo liên tục được đưa ra, doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ đợi, người dân vẫn ngày ngày vật lộn trong ùn tắc.
Cấp bách mở nút thắt cho các dự án
TS Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM) nhận định việc hoàn thành sớm cầu Thủ Thiêm 2 là nhiệm vụ cấp bách mà TP phải thực hiện. Việc ùn tắc giao thông nghiêm trọng là biểu hiện xấu của một công trình chậm tiến độ, cần nhanh chóng giải tỏa ùn tắc để đảm bảo đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, cầu Thủ Thiêm 2 đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo sức hấp dẫn cho TP mới Thủ Thiêm. Trong quy hoạch giao thông, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ nối vào trục song song với đường Lương Định Của, trở thành 1 trong 2 trục giao thông chính của khu vực cửa ngõ phía đông. Mỗi một công trình kết nối TP mới Thủ Thiêm sau này với đô thị trung tâm hiện hữu đều góp phần kích thích đầu tư vào đây. Do đó, dự án càng chậm trễ càng ảnh hưởng tiêu cực tới thu hút đầu tư vào TP mới.
Không chỉ cầu Thủ Thiêm 2, việc dự án chậm triển khai do thiếu vốn, vướng mặt bằng là tình trạng gần như xảy ra với tất cả các dự án trên địa bàn TP.HCM. Nhanh thì chậm 1 - 2 năm, nhiều dự án phải chờ đến gần 2 thập niên vẫn chỉ nằm trên giấy. Ngay cả trường hợp lãnh đạo TP sát sao, các quận huyện liên tục hứa mốc thời gian bàn giao mặt bằng “sạch” cho chủ đầu tư như dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, thì đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, những cam kết vẫn chỉ dừng lại ở cam kết. Dự án tiếp tục phải lùi tiến độ và chưa biết bao giờ mới có thể về đích.
TS Võ Kim Cương đánh giá một công trình chậm trễ sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy tiêu cực: giao thông ùn tắc, đô thị nhếch nhác, càng để lâu càng đội vốn. Đặc biệt, đối với các dự án lớn, doanh nghiệp phải “đổ” rất nhiều vốn, vay ngân hàng, chậm ngày nào doanh nghiệp khốn đốn ngày đó. Tình trạng công trường ngổn ngang, dở dang khắp TP sẽ khiến các doanh nghiệp dần e ngại, đánh mất cơ hội kêu gọi vốn đầu tư cho hạ tầng của TP trong tương lai.
Bình luận (0)