Ngân hàng Phát triển châu Á vừa chia sẻ với Bộ Công thương về trường hợp đấu thầu dự án điện mặt trời ở Campuchia với mức giá có thể nói là “ngoài mong đợi” để cùng thảo luận về triển vọng dự án thí điểm đấu thầu đầu tiên tại VN.
Giá trúng thầu thấp nhất chưa đến 4 UScent/kWh
Cụ thể, dự án công viên điện mặt trời (ĐMT) quốc gia (National Solar Park) pha 1 có công suất 60 MW (nằm trong dự án có công suất tổng cộng 100 MW) được đặt tại tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia. Đơn vị tổ chức đấu thầu là Công ty điện lực Campuchia (EDC) với tư vấn giao dịch là Vụ Hợp tác công tư (OPPP) thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có trả phí. Đây là dự án công viên ĐMT đầu tiên được thực hiện theo chiến lược sẽ đấu thầu cạnh tranh quốc tế trên toàn nước Campuchia theo hình thức BOT với hợp đồng mua bán điện trong vòng 20 năm. Thiết kế đấu thầu được dựa trên kinh nghiệm thực hiện của dự án ĐMT công suất 10 MW vào năm 2016 tại thành phố Bavet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia) sử dụng vốn vay ADB và kinh nghiệm đấu thầu quốc tế.
Để tổ chức đấu thầu, dự án đã được nghiên cứu và phân tích lưới điện để chọn địa điểm tối ưu. Từ tháng 9.2018 - 3.2019 là giai đoạn nghiên cứu chuẩn bị dự án. Đến cuối tháng 5.2019, khi mở hồ sơ thầu thì chỉ còn 26 nhà thầu nộp hồ sơ dù trước đó có tới 150 đơn vị mua hồ sơ. Đầu bài quan trọng nhất là nhà thầu sẽ xây dựng nhà máy ĐMT trong vòng tối đa 24 tháng với mức giá trần là 7,6 UScent/kWh. Tới cuối tháng 8.2019, sau khi lần lượt đánh giá đề xuất tiền năng lực chủ đầu tư, rồi đánh giá tiếp đề xuất kỹ thuật và đề xuất tài chính thì còn lại 18 hồ sơ đủ tiêu chuẩn với giá điện chào trong khoảng 4,415 - 6,8 UScent/kWh. Trong đó, ba nhà thầu chào giá thấp nhất lần lượt là ACWA Power, Prime Road Alternative, và Sinohydro/SchneiTec.
Ngày 5.9 vừa qua, chào giá lần 2 với 3 nhà thầu này đã được mở và cái tên được chọn là Prime Road Alternative (Thái Lan) với mức giá thấp nhất, chỉ 3,877 UScent/kWh. Sau khi trúng thầu, nhà thầu sẽ ký thỏa thuận thực hiện với Bộ Năng lượng và Mỏ Campuchia, ký hợp đồng mua bán điện trong vòng 20 năm với EDC và triển khai dự án nhà máy ĐMT theo hình thức BOT để bắt đầu triển khai dự án.
Ngoài ra, Công ty điện lực EDC sẽ thu hồi đất, xây dựng lưới điện truyền tải, trạm biến áp với chi phí đất đai và lưới điện truyền tải của dự án khoảng 1 UScent/kWh (được thực hiện bằng nguồn vốn vay có bảo lãnh chính phủ với số tiền 15,64 triệu USD kết hợp với nguồn viện trợ không hoàn lại 3 triệu USD). Mức chi phí này được đánh giá là “ở mức cao” bởi phải xây đường dây lưới điện truyền tải là 40 km (lý tưởng là dưới 5 km); cùng với đó, dự án cũng yêu cầu xây đường giao thông dài 12 km...
VN vẫn phải chờ
Trong báo cáo gửi lên Thủ tướng mới đây, Bộ Công thương cho biết cơ quan này đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu cơ chế đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo tại VN. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ được lựa chọn theo hình thức đấu giá, ai đưa ra giá bán điện thấp nhất từ dự án năng lượng tái tạo sẽ được chọn. Thực hiện cơ chế này tuy mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo và lưới truyền tải.
Bộ Công thương cho hay, theo kết quả nghiên cứu ban đầu thì Ngân hàng Thế giới đã đề xuất 2 mô hình đấu thầu áp dụng tại VN, trong đó có mô hình công viên ĐMT. Theo đó, xác định vị trí có thể phát triển dự án (trên cơ sở khả năng truyền tải của trạm biến áp - TBA), quỹ đất và thực hiện các vòng đấu thầu lựa chọn dự án/chủ đầu tư trên cơ sở nhiều hồ sơ đề xuất cho 1 vị trí. Mô hình khác là lựa chọn phát triển dự án ĐMT theo TBA: cần xác định khả năng tích hợp và giải tỏa công suất nguồn theo TBA trên toàn quốc và tổ chức đấu thầu lựa chọn các dự án đối với từng cụm TBA phù hợp.
“Tuy nhiên, đối với cả hai mô hình, các chuyên gia đều đề xuất xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về đầu tư, về đấu thầu và đối tác công - tư (PPP) nhằm đảm bảo xây dựng mô hình công bằng, minh bạch và khả thi với mục tiêu thúc đẩy phát triển các nguồn điện mặt trời và tối ưu hóa chi phí”, Bộ Công thương nêu rõ và dẫn chứng, với khung pháp lý về PPP hiện hành và dự thảo luật PPP, có một số nội dung cần phải điều chỉnh để triển khai cơ chế đấu thầu công viên ĐMT. Vì về quy trình và thủ tục đầu tư, theo Nghị định 63/2018 về đầu tư theo hình thức PPP, trình tự thực hiện dự án PPP cần phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi/tiền khả thi trước khi đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư. Trong khi đó, việc đấu thầu dự án ĐMT có giá bán điện khi lựa chọn chủ đầu tư. Do đó trong giai đoạn lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi chưa có giá bán điện thì không thể thực hiện được công việc này.
Do vậy, Bộ Công thương cho hay dự kiến VN sẽ áp dụng đấu thầu sau năm 2021. Bộ Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo để có kết quả nghiên cứu cơ chế đấu thầu và báo cáo Thủ tướng.
Bình luận (0)