Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Toàn - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên cho rằng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế nói chung, có thể nói, bất động sản có tính liên kết, lan tỏa rộng nhất, mạnh nhất. Thống kê cho thấy, có tới vài chục ngành nghề liên quan trực tiếp đến bất động sản. Nghĩa là bất động sản hắt hơi thì các ngành đó không sổ mũi cũng ốm nặng.
Thế nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản gần như đóng băng, giao dịch sụt giảm nghiêm trọng do hàng loạt dự án không thể triển khai vì vướng mắc thủ tục hành chính, vướng mắc pháp lý khiến nguồn cung đất nền, căn hộ trở nên khan hiếm, người mua ít sự lựa chọn. Tình trạng này chưa được giải quyết thì sang đầu năm 2020, dịch Covid-19 ập đến khiến giao dịch trên thị trường sụt giảm chưa từng thấy. Thống kê cho thấy, quý 1/2020 nguồn cung mới và lượng tiêu thụ thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay; 800/1.000 sàn giao dịch đã đóng cửa; hàng loạt môi giới bất động sản mất việc...
|
Những khó khăn này Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương cũng đã nhận diện và có giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, những giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp theo như thế nào để kích hoạt vốn tư nhân nhanh chóng giải ngân, góp phần cùng với đầu tư công, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ được ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đại diện cơ quan quản lý ở trung ương sẽ trả lời các thắc mắc của hiệp hội, của doanh nghiệp. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP.HCM có ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM giải đáp. Còn vướng mắc cụ thể về chính sách, về pháp lý, về thị trường thì có ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM chia sẻ thêm...
Còn về mặt thị trường, khó khăn của người này có thể trở thành cơ hội của người kia. Tâm lý thị trường đang chờ đợi một mặt bằng giá mới thấp hơn khi nhà đầu tư thứ cấp, thậm chí chính các chủ đầu tư không chịu nổi gánh nặng chi phí, buộc phải giảm giá sản phẩm. Liệu điều này có xảy ra hay không? Phân khúc căn hộ hay đất nền sẽ “chạy” thanh khoản trước? Liệu có một cuộc giải chấp bất động sản từ hệ thống ngân hàng khi các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân không thể kham nổi gánh nặng vốn? Lựa chọn bất động sản như thế nào trong bối cảnh hiện nay để vừa an toàn cho đồng vốn, vừa “làm bàn” sau dịch bệnh?...
Đây là những câu hỏi mà rất nhiều người đang quan tâm, nhất là những người có sẵn tiền mặt, những người đang muốn tận dụng nguồn vốn rẻ hơn từ phía ngân hàng đều muốn có lời giải đáp. Tham dự buổi tọa đàm hôm nay còn có các chuyên gia bất động sản hàng đầu Việt Nam; các nhà phát triển bất động sản uy tín trên thị trường...sẽ giải đáp đầy đủ cho những người tham dự và độc giả.
"Tôi hy vọng buổi tọa đàm mà chúng tôi tổ chức ngày hôm nay sẽ góp một tiếng nói tháo gỡ những nút thắt, hỗ trợ thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vượt qua khó khăn; giúp những người có nhu cầu nhà ở có được câu trả lời đầy đủ nhất cho kế hoạch của mình", ông Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.
Bình luận (0)