Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô: Làn sóng ngầm
Ít ai có thể ngờ rằng, một dự án bất động sản không nằm ở trung tâm Hà Nội và TP.HCM, cũng không phải ở những trung tâm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, lại có thể bán biệt thự với giá lên tới 80 triệu đồng mỗi m2 đất. Mức giá tưởng như không tưởng ấy lại là thực tế ở một khu nghỉ dưỡng Vĩnh Phúc - cách Hà Nội khoảng 45 km. Giá bán của dự án đã tăng liên tục và đã cao hơn vài chục lần so với hồi bắt đầu mới mở bán, nhưng thật ngạc nhiên, cứ ra hàng đến đâu là lại “cháy hàng” đến đó. Điều này cho thấy, giới nhà giàu không chỉ mê căn hộ hay biệt thự nghỉ dưỡng biển, mà còn rất ưa chuộng bất động sản nghỉ dưỡng ven đô.
|
Thực ra, nghỉ dưỡng ven đô đã manh nha từ trước khi bất động sản du lịch biển sốt nóng, biểu hiện rõ nhất là giới nhà giàu ở Hà Nội hay TP.HCM tậu trang trại ở ven đô để mỗi dịp cuối tuần lại cùng gia đình và bạn bè về vui thú điền viên. Nhưng mô hình “vườn cây ao cá” này mất dần sức hấp dẫn bởi ngoài thời gian nghỉ ngơi thì trang trại thường không có người chăm sóc nên nhanh chóng xuống cấp. Mặc dù vậy, giới nhà giàu ở Hà Nội hay TP.HCM vẫn mơ về một căn nhà thứ hai để “xa lánh bụi trần”. Bởi thế, khi những dự án bất động sản nghỉ dưỡng biển được phát triển bài bản, vừa để nghỉ dưỡng, vừa thu lời từ kinh doanh cho thuê, đã nhanh chóng trở thành “thỏi nam châm” thu hút giới nhà giàu.
Từ nhu cầu nghỉ dưỡng du lịch tới xu hướng Staycation
Khi nói về bất động sản nghỉ dưỡng, các nhà đầu tư thường đề cập đến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh. Nhưng, các chuyên gia lại cho rằng, tăng trưởng khách du lịch nội địa mới là đòn bẩy cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Đáng lưu ý, nếu như trước đây khách du lịch nội địa chỉ sử dụng phòng khách sạn 2-3 sao, thì hiện nay tràn ngập trong các khách sạn và khu nghỉ dưỡng 4-5 sao. Từ nhu cầu du lịch đã nảy sinh nhu cầu sở hữu bất động sản để vừa nghỉ dưỡng và vừa đầu tư sinh lời.
Một chuyên gia bất động sản nhận xét, tầng lớp người giàu tăng mạnh, môi trường sống ở trung tâm thành phố bức bối, ô nhiễm nên nhu cầu sở hữu bất động sản ven đô như ngôi nhà thứ hai để nghỉ dưỡng ngày càng tăng. Hơn nữa, do hệ thống giao thông kết nối các trung tâm thành phố với các vùng ven ngày càng thuận tiện, mở ra cơ hội phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô.
Một khảo sát nhanh cho thấy, có tới 90% người được hỏi mong muốn ra ngoại ô trên 10 lần mỗi năm, trong khi nếu đi nghỉ dưỡng biển thì chỉ có thể đi một vài lần. Nếu như đi du lịch ở Đà Nẵng hay Nha Trang phải chuẩn bị kỹ tư trang, thời gian thì những chuyến đi nghỉ dưỡng ở ngoại ô lại không mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Thực tế trên thế giới, xu hướng sống trung tâm, nghỉ dưỡng ven đô khá phổ biến tại các nước phát triển, thậm chí xu hướng này còn hình thành một phong cách sống mới “staycation”. Nhìn sang các quốc gia lân cận như Singapore, nhiều dự án đô thị lớn đã thành công khi nắm bắt nhu cầu này, điển hình là Forest City, quần thể nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Malaysia chỉ cách trung tâm quốc đảo Singapore 2 km.
Tại Việt Nam, nhu cầu ngày càng tăng nhưng số lượng khu nghỉ dưỡng ven đô được phát triển và kinh doanh bài bản lại khan hiếm. Lý do là vì, tìm được địa điểm đẹp ở ven đô để phát triển khu nghỉ dưỡng và kinh doanh hiệu quả không dễ. Nếu tìm được vị trí đẹp thì giới nhà giàu sẵn sàng xuống tiền cho dù giá bán ngang ngửa, thậm chí đắt hơn cả bất động sản nghỉ dưỡng biển.
|
Với dân số khoảng 13 triệu người và nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng mỗi năm rất lớn nhưng xung quanh TP.HCM hiện chưa có những dự án bất động sản nghỉ dưỡng được phát triển và kinh doanh chuyên nghiệp để đáp ứng. Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô TP.HCM vì thế vẫn là “mỏ vàng triệu đô” còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, sắp tới, khoảng trống này sẽ được khỏa lấp phần nào khi một doanh nghiệp bất động sản chuyên nghiệp hé lộ kế hoạch phát triển một tổ hợp bất động sản nghỉ dưỡng ở Long An. Không những được phát triển và vận hành như một khu nghỉ dưỡng cao cấp, dự án này còn có điểm nhấn là nhìn ra sân golf xanh mướt, nên hứa hẹn trở thành điểm đến không thể bỏ qua của giới nhà giàu TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Bình luận (0)