Bi kịch mua phải dự án ma

31/12/2019 04:53 GMT+7

Sau gần 3 tháng trôi qua kể từ khi vụ án tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) và các công ty, đối tượng liên quan bị khởi tố, đến nay quyền lợi của gần 7.000 khách hàng với số tiền bị lừa lên đến 2.500 tỉ đồng vẫn chưa rõ. Quá quẫn bách, có người đã tự sát.

Vay tiền để mua đất “ma”
Mới đây tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), một người đàn ông 41 tuổi tên P.Đ.T.D, ngụ Q.8, TP.HCM đã nổ súng tự sát tại bệnh viện. Theo thông tin từ mẹ nạn nhân, ông D. làm nghề kinh doanh bất động sản, có biểu hiện trầm cảm trước đó và trở nặng hơn khi việc mua bán đất ở Vũng Tàu bị thua lỗ.
Trước khi tự sát, ông D. nói với bà rằng mình mua đất của Công ty Alibaba ở Bà Rịa-Vũng Tàu với số tiền thua lỗ hơn 3 tỉ đồng nên rất buồn, trầm cảm. Trước khi nhập viện và tự sát tại Bệnh viện Trưng Vương, ông D. đã uống khoảng 100 viên thuốc ngủ, nên được người thân đưa vào Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu.
Thực tế có hàng ngàn nạn nhân của Alibaba đang rơi vào tình cảnh khốn khổ, vì dính kẹt trong vụ này. Anh Lê Minh Hà (Q.9, TP.HCM) cho biết cách đây 2 năm, khi nghe người bạn đang làm trong Công ty Alibaba giới thiệu cơ hội đầu tư với cam kết lợi nhuận 35%/năm, anh đã đem hết tiền dành dụm hùn với người bạn này đầu tư 3 lô đất ở H.Long Thành (Đồng Nai), với tổng số tiền khoảng 1,5 tỉ đồng. Đầu tiên anh Hà hùn cùng bạn cũng làm nhân viên môi giới của Công ty Alibaba ký hợp đồng với kỳ hạn trả gốc và lãi là 6 tháng. Khi kết thúc hợp đồng, công ty trả gốc và lời đúng hẹn.

Vụ Alibaba đã tiến hành khởi tố, điều tra gần 3 tháng. Do tính chất phức tạp của vụ việc mà đến nay vẫn chưa có kết luận điều tra chính thức. Để bảo vệ tối đa quyền lợi của mình, ngoài việc thu thập các hồ sơ chứng cứ nộp cho công an, người dân nên hợp tác tối đa với cơ quan công an để vụ việc được sớm làm rõ.

Luật sư Hoàng Thu  (Công ty luật Hoàng Thu)

Thấy “ngon ăn”, anh Hà tiếp tục gom cả vốn và lời vào đầu tư thêm 3 lô đất với kỳ hạn 1 năm. Nhưng đó cũng chính là thời điểm bắt đầu nổ ra những lùm xùm về công ty này. Thế nên khi kết thúc hợp đồng, anh Hà đã liên hệ với người bạn và công ty để thanh lý hợp đồng, chỉ cần lấy lại gốc. Tuy nhiên, sau nhiều lần lên “ăn vạ” cũng như đấu tranh, Công ty Alibaba chỉ đồng ý trả tiền gốc 1 lô đất và bắt tái đầu tư tiếp 2 lô đất ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
“Đến giờ thì 2 tỉ đồng này coi như đã mất dù tôi đã trình báo với công an. Tình bạn cũng mất luôn. Quan trọng hơn là vì khoản đầu tư này mà hai vợ chồng tôi liên tục cãi nhau, bất hòa”, anh Hà cho hay.
Chị Vũ Thị Hiền (giáo viên ở Q.Tân Bình, TP.HCM) đầu tư 2 lô đất của Công ty Alibaba số tiền 330 triệu đồng và kéo anh họ mua 1 lô đất 250 triệu đồng, đến nay đều bặt âm vô tín. “Tiền của tôi đi vay hết một nửa từ anh em họ hàng, còn ông anh họ vay toàn bộ để đầu tư. Giờ vợ anh ấy đẻ không có tiền trang trải, cộng với tiền lãi vay nên giờ chúng tôi chán nản muốn bệnh luôn. Hiện chúng tôi vẫn ở nhà thuê, có mấy tháng mà tôi sút cả chục ký”, chị Hiền than thở.

Đang mở rộng điều tra

Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), người cùng với một số nạn nhân và đồng hành cùng với phóng viên Báo Thanh Niên từ những ngày đầu tham gia “đấu tranh” với Công ty Alibaba, cho biết từng nhiều lần chứng kiến hàng trăm khách hàng khóc không thành lời sau khi mất trắng cả gia tài vào những dự án “ma” do Công ty Alibaba vẽ lên.
Trường hợp có khách hàng vì lãi suất cao nên giấu vợ dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm đầu tư đến 2 tỉ đồng vào Alibaba, đến khi vỡ trận không đòi được tiền, 2 vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” thậm chí đang đưa đơn ra tòa đòi ly hôn. Có trường hợp tại Đồng Nai, sau khi dùng toàn bộ số tiền dưỡng già để đầu tư hy vọng nhận được lãi suất cao đều đặn hằng tháng, thời điểm báo chí cảnh báo liên tục, cụ bà đã “cầu xin” nhân viên bán hàng rút lại tiền để chữa bệnh cho chồng đang nằm viện, nhưng không kịp vì chỉ vài ngày sau Alibaba sụp đổ.
Thường những vụ án trên có hồ sơ phức tạp nên sẽ mất thời gian 12 - 36 tháng để các cơ quan tố tụng tiến hành điều tra, truy tố, đưa ra xét xử vụ án. Trong khi đó, những khách hàng đã mất tiền thì khả năng lấy lại khoản tiền đã đầu tư là rất khó, do tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thường có chủ ý tẩu tán tài sản trước khi bị bắt.
Đáng lo ngại, ở các vùng ven TP.HCM và các tỉnh thành lân cận vẫn tồn tại các dự án “ma” đang được rao bán ngầm qua nhiều hình thức tinh vi cho khách hàng nên vẫn không ít người vẫn sập bẫy.
“Thông tin khuyến cáo thì rất nhiều nhưng khổ nỗi nhà đầu tư có mấy ai đọc đâu. Đến khi xảy ra chuyện mới biết là có tới hàng trăm nhà đầu tư vẫn còn mơ hồ, nghĩ rằng mua đất là có thể giàu nhanh nhưng không biết đằng sau đó là rất nhiều rủi ro chực chờ. Trên thực tế, có những người vẫn có thể giàu lên từ đất nhưng số người sạt nghiệp vì đất cũng không ít. Do đó, khi đã đi đầu tư đất thì không cách nào khác là nhà đầu tư phải tự bảo vệ mình trước”, luật sư Cường nói. Theo thông tin từ Bộ Công an, hiện vụ án vẫn đang trong quá trình mở rộng điều tra và quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.