Ông Luận cho biết: Năm 2009, ông được đi tập huấn về kỹ thuật trồng cà phê. Thấy mô hình cà phê ghép cho năng suất và hiệu quả cao, ông về tự tìm thêm tài liệu nghiên cứu; đến các mô hình tương tự ở TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) học hỏi kinh nghiệm trồng cà phê ghép.
Sau đó, ông Luận tìm đến Viện EKaMat (Đắk Lắk) đặt mua hơn 2.000 cây cà phê ghép về trồng thử. Cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, sau 3 năm cho thu bói và năm đầu năng suất đạt khoảng 15 tấn/ha. Sau khi đã có kinh nghiệm trồng và nhận thấy cà phê ghép hiệu quả, ông Luận mày mò, nghiên cứu và tự ghép cây để giảm chi phí. Ông chọn giống cà phê vối ghép vào thân cây cà phê mít. Khi ngọn cà phê ghép phát triển tốt, ông bắt đầu chặt dần những cành trên cây cà phê cũ để nhường chỗ cho cà phê ghép phát triển.
Cứ vậy, sau 10 năm tần tảo, đến nay vườn cà phê 3 ha của gia đình ông đã được thay thế hoàn toàn bằng cà phê ghép. Theo ông Luận, so với cà phê vối bình thường, sau khi trồng 3 năm cho thu bói thì năng suất của cà phê ghép cũng cao hơn vài tấn/ha. Điều đó đã được chứng minh bằng thực tế.
Ông Luận nói: “So với cà phê cũ, cà phê ghép năng suất hơn từ 30 - 40%. Đơn cử như năm 2018, với diện tích 3 ha cà phê ghép, nhà tôi thu được hơn 83 tấn. Còn cũng với diện tích này, trước kia giống cà phê cũ chỉ đạt khoảng hơn 50 tấn. Năm 2018, chỉ riêng bán cà phê tươi, gia đình tôi thu lãi được hơn 300 triệu đồng”.
Theo ông Luận, cà phê ghép có khả năng chịu hạn tốt và hạn chế sâu bệnh hơn cây cà phê bình thường. “Trồng cà phê sợ nhất là bị bệnh gỉ sắt thì với cà phê ghép lại kháng được bệnh này”, ông Luận chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Cảnh, cho biết ông Luận là người tiên phong trong việc phát triển cà phê ghép. Hiện nay trên địa bàn có hàng chục hộ dân đã tìm đến ông Luận để học hỏi kinh nghiệp trồng cà phê ghép. Diện tích cà phê ghép toàn xã phát triển được khoảng hơn 20 ha.
Bình luận (0)