Bộ Công thương giải thích việc không tiếp thu ý kiến Bộ Tài chính về xuất khẩu gạo

21/04/2020 15:44 GMT+7

Trong báo cáo gửi Thủ tướng về điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Công thương đã giải trình nhiều nội dung, trong đó có lý giải việc Bộ Tài chính nói Bộ Công thương không tiếp thu các ý kiến góp ý.

Tại báo cáo hôm qua 20.4, gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã lần lượt giải thích về ý kiến Bộ Tài chính trả lời báo chí trước đó về việc "đã 2 lần góp ý với Bộ Công thương về điều hành xuất khẩu gạo, nhưng “không được Bộ Công thương tiếp thu ý kiến”.

Dừng xuất khẩu theo đề xuất của Bộ Tài chính là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm

Theo Bộ Công thương, trong cả 2 lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là: chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15.6.2020, để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia". Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".
Bộ Công thương cho rằng, với nội dung này, bộ “đã 2 lần giải trình với Thủ tướng Chính phủ về lý do không thể tiếp thu ý kiến này của Bộ Tài chính”.
Theo đó: “Cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra”, Bộ Công thương lập luận.
Theo Bộ Công thương, cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ, là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn.
Chưa hết, Bộ Công thương bày tỏ: “Đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển bởi bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm - là loại được phép xuất khẩu”.

Chống "khai giữ chỗ"

Về ý kiến Bộ Tài chính cho rằng, phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch cũng không được Bộ Công thương tiếp thu, báo cáo của Bộ Công thương nói rằng, “trong cả 2 lần góp ý cho báo cáo của đoàn kiểm tra và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các "bất cập" của phương thức FCFS trong điều hành hạn ngạch”.
Cụ thể, Bộ Công thương cho hay ý kiến này của Bộ Tài chính xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 10.4, tại Văn bản số 4355/BTC-QLG, khi mà phương thức FCFS đã được đề xuất công khai trước đó 13 ngày, và Thủ tướng sau khi cân nhắc tất cả ý kiến tham gia, đã có văn bản chỉ đạo về phương thức điều hành xuất khẩu gạo.
“Trước khi đề xuất phương thức FCFS, đoàn kiểm tra liên ngành đã thận trọng tham khảo ý kiến Tổng cục Hải quan về tính khả thi của đề xuất. Trong suốt 2 tuần sau khi báo cáo và phương án điều hành của đoàn kiểm tra được công bố, Bộ Công thương không nhận được ý kiến nào khác của cả Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính”, Bộ Công thương đáp trả.
Chưa hết, theo Bộ Công thương, sau đó, khi Thủ tướng có chỉ đạo về điều hành xuất khẩu gạo tại Văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10.4 (của Văn phòng Chính phủ), Bộ Công thương “một lần nữa gửi dự thảo quyết định của Bộ Công thương về áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo tới Tổng cục Hải quan để xin ý kiến”, song trong góp ý, Tổng cục Hải quan không đề cập tới các "bất cập" của phương thức điều hành FCFS.
Bộ Công thương khẳng định phương thức FCFS, nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu Container trên tờ khai online, và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ.
Ngày 23.3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công Thương
Ngày 24.3, hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
Đến cuối ngày 24.3, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại.
Ngày 10.4, Thủ tướng đồng ý nối lại xuất khẩu gạo với hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4.
Cả ngày 11.4 (thứ bảy), nhiều doanh nghiệp đã túc trực để mở tờ khai nhưng hệ thống tự động (VNACCS) của hải quan không mở.
Đến 0 giờ sáng ngày 12.4 (chủ nhật), hải quan bất ngờ cho mở hệ thống giữa đêm mà không hề thông báo công khai.
Ngày 5.4, Văn phòng Chính phủ liên tiếp có văn bản gửi Bộ Tài chính và Bộ Công thương yêu cầu báo cáo liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo.
Ngày 17.4, Tổng cục Hải quan kiến nghị cho xuất khẩu gạo đã tồn ở các cảng từ ngày 24.3. Sau đó, số gạo này sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn. Bộ Công Thương cũng xin xuất khẩu gạo nếp trở lại, lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm tình hình về lượng gạo tại các cảng phục vụ điều hành xuất khẩu gạo.
Ngày 20.4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị xác minh thông tin tiêu cực về việc xuất khẩu gạo.
Cũng trong ngày 20.4, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.