Theo Bộ Công thương, chiến dịch bán hàng chính hãng cho khách hàng trên toàn quốc sẽ được thực hiện đều đặn vào thứ 6 hàng tuần trên hệ thống website www.onlinefriday.vn và app Online Friday (iOS và Android).
Trước đó, thống kê cho biết, hơn 50.000 sản phẩm chính hãng đăng ký tham gia Online Friday 2019 đã được ban tổ chức là Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số kiểm soát về nguồn gốc hàng hoá, đến từ các sàn thương mại điện tử lớn và thương hiệu Việt uy tín cùng các nhà phân phối chính hãng.
Hàng hóa được bán ra dịp này gồm nhu yếu phẩm phục vụ tết, đồ gia dụng, công nghệ, mỹ phẩm, thời trang chính hãng, vé máy bay, sách và văn phòng phẩm.Cũng theo ban tổ chức, với hơn 1.000 thương hiệu có 50.000 mặt hàng giảm giá đến 70%, có hơn 2.500 tỉ đồng được giao dịch trong ngày.
Việc duy trì định kỳ bán hàng chính hãng trên cả nước trên các sàn thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ ngăn chặn, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… đang được bán tràn lan trên nhiều sàn thương mại điện tử cũng như các trang mua sắm trên mạng xã hội.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hàng loạt sản phẩm giả mạo, nhái các thương hiệu nổi tiếng đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, hàng thời trang như túi xách, giày dép, quần áo… đang xuất hiện ở rất nhiều trang mua bán.
Theo quy định, vi phạm trong thương mại điện tử có thể bị phạt lên tới 40 - 50 triệu đồng, tuy nhiên, số vụ được phát hiện và xử lý còn quá ít so với lượng giao dịch tăng nhanh qua các năm. Tổng mức xử phạt vi phạm hành chính trong thương mại điện tử năm 2015 là 3,5 tỉ đồng, năm 2016 là 4,5 tỉ đồng, năm 2017 là gần 6 tỉ đồng và đến năm 2018 là 7 tỉ đồng.
Theo dự báo của Google vào năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam đến năm 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng 43%, cao nhất khu vực. Lưu lượng truy cập vào top 10 website thương mại điện tử của Việt Nam như Tiki, Sendo, Lazada, Adayroi, Shoppee, Thế giới di động… trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
|
Bình luận (0)