Bộ Tài chính nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu thịt lợn và gà

09/12/2019 17:58 GMT+7

Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xin ý kiến về việc giảm các mức thuế suất, nhập khẩu ưu đãi, trong đó có thịt lợn và gà nhập khẩu.

Những nội dung trên được thể hiện tại Công văn 14813/BTC-CST Bộ Tài chính gửi xin ý kiến các bộ, ngành lần thứ 4 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã được sửa đổi trước đó, liên quan đến Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, một số mặt hàng nông sản như gà, hạnh nhân, táo tươi, nho tươi, nho khô, thịt lợn, sữa... dự kiến sẽ được giảm thuế nhập khẩu.
Cụ thể, với mặt hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà, theo Bộ Tài chính, tại công văn ngày 8.11.2019, Đại sứ quán Mỹ kiến nghị giảm từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028.
Qua số liệu thống kê so với năm 2018, lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.2019, nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay và theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thì việc tăng lượng nhập khẩu xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân dịch tả lợn nên người dân chuyển sang tiêu dùng thịt gà.
Theo báo cáo, giá thịt lợn hơi đang dao động trong khoảng từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, tại một số địa phương thậm chí lên tới 82.000 đồng/kg, tăng gần gấp rưỡi so với đầu năm. Giá thịt lợn xuất chuồng có mức như vậy dẫn tới giá thành thịt lợn đến tay người tiêu dùng tiếp tục giữ mức cao. Khảo sát tại các chợ tại Hà Nội, giá thịt lợn dao động quanh mức 150.000 - 170.000 đồng/kg, trong khi giá thịt gà chỉ hơn 100.000 đồng/kg, tùy loại.

Người dân chuyển sang ăn thịt gà nhiều hơn vì giá thịt lợn quá đắt

Ảnh N.T

Trong các nhóm hàng nông nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, nhóm mặt hàng thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, trong các hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán. Nhóm hàng này luôn trong nhóm nhạy cảm, không cam kết cắt giảm, hoặc nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết.
Do vậy, các biểu thuế hiện hành cũng cơ bản giữ mức trần cam kết khi chưa đến thời gian cắt giảm cuối cùng, do thịt gà là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, kể cả theo thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, đồng thời là mặt hàng của người nông dân, các gia đình, hộ dân đều có thể tăng gia sản xuất tại nhà, qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Với mức thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất.
Căn cứ thông tin phân tích nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%). Mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định CPTPP.
Đánh giá tác động của phương án, Bộ Tài chính cho biết, người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc giảm thuế do giá sản phẩm giảm. Trong trường hợp giảm thuế từ 20% xuống 18%, lấy theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế của thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) năm 2018 thì dự kiến sẽ giảm thu khoảng 3 triệu USD, tương đương 69 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, với việc giảm thuế MFN thì không chỉ Mỹ được hưởng mà thị trường Brazil, Ba Lan cũng được hưởng ưu đãi theo. Qua đó, cũng có thể dẫn đến sự gia tăng của hàng nhập khẩu không chỉ từ Mỹ, Brazil, Ba Lan, mà còn có các thị trường khác chưa xuất khẩu vào Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.