Đó là chia sẻ của ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang chiều nay, 31.5, để bàn các giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh đang cho thu hoạch vải chín sớm tại các H.Tân Yên và H.Lục Ngạn với sản lượng khoảng 40.000 tấn. Hiện tại, tiêu thụ vải chín sớm vẫn diễn ra bình thường, giá cả ổn định.
Đến ngày 30.5, Bắc Giang đã tiêu thụ khoảng 16.500 tấn vải, giá bán thấp nhất là 16.000 đồng/kg, cao nhất là 55.000 đồng/kg. Trong đó, 5.000 tấn vải đã được xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Lào Cai.
Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, khẳng định việc tiêu thụ vải chín sớm vẫn đang diễn ra bình thường nhưng tới đây, từ 20.6 trở đi bắt đầu vào mùa vải chính vụ. Theo đó, trong 1 tháng, Bắc Giang sẽ phải tiêu thụ khoảng 140.000 tấn và hiện đã sẵn sàng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều ứng với các cấp độ diễn biến khác nhau của dịch Covid-19.
Người đứng đầu tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, vải thiều Bắc Giang là nông sản đặc sản, hiện đã được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, vào được cả những thị trường khó tính nhất thế giới là Nhật Bản. Ông Thái cũng cho rằng, áp lực tiêu thu vải thiều chính vụ tới đây là rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 thiếu nhân công thu hoạch, đóng gói, thiếu cả xe container vận chuyển và Bắc Giang đang tìm cách tháo gỡ.
"Tôi cũng đề nghị các cơ quan truyền thông không dùng từ "giải cứu" vải thiều và nông sản nói chung của Bắc Giang nữa vì thực tế sau đó giá các mặt hàng nông sản đều giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân", ông Thái nói.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ trong cuộc trao đổi với báo chí hôm nay đã chính thức đề nghị với cơ quan truyền thông không dùng từ “giải cứu nông sản” nữa.
Ông Hoan cho rằng, chính từ “giải cứu” nông sản này đang "sinh ra rất nhiều chuyện lôi thôi", làm giảm sút đi giá trị kinh tế cũng như thương tổn về mặt tâm lý, tinh thần cho người nông dân.
Thứ nhất, ngay sau khi kêu gọi “giải cứu” người nông dân ngay lập tức đã bị ép giá khiến việc tiêu thụ rất khó khăn.
Thứ hai, nông sản giảm giá, mất đi giá trị, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý số đông nông dân, gây chán nản, bỏ luôn ruộng đồng, không chăm sóc khiến nông sản không đạt chất lượng.
Ông Lê Minh Hoan cũng cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp lần này, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Phụ nữ Việt Nam, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình, chuẩn hoá việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các phương tiện vận chuyển nông sản từ vùng dịch Covid-19 lưu thông qua các địa bàn đưa ra thị trường tiêu thụ không còn bị dồn ứ, ách tắc.
Bình luận (0)