Bức tranh đối lập của ngành ô tô Việt Nam

10/06/2019 07:10 GMT+7

Trong khi các doanh nghiệp tư nhân ngành ô tô bứt phá mạnh mẽ thì hoạt động của nhiều doanh nghiệp ô tô quốc doanh lại hết sức bết bát, thua lỗ dù nhận được rất nhiều ưu đãi.

Từ nửa tháng qua, những chiếc ô tô VinFast đã chính thức xuất hiện trên đường phố, cao tốc... trong các đợt thử nghiệm đầu tiên trước khi giao cho khách hàng vào tháng 6 này. Đó là kết quả không tưởng với tất cả mọi người bởi chưa đầy 2 năm trước, VinFast chưa có gì "ngoài tầm nhìn và một chiếc xẻng xúc đầy đất" - như chia sẻ của ông James DeLuca, Tổng giám đốc VinFast.

Tư nhân bứt phá ra thế giới

Chia sẻ với báo chí ngay sau chương trình chạy thử 3 sản phẩm sedan, SUV và dòng xe nhỏ tại Nhà máy VinFast (Hải Phòng), ông James DeLuca cho biết, VinFast chỉ mất 22 tháng để làm những công việc mà hầu hết các nhà máy ô tô khác trên thế giới phải cần từ 36 đến 60 tháng. Là người có kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành công nghiệp ô tô thế giới, ông James DeLuca khẳng định, mỗi thương hiệu ô tô đều cần được quảng bá và VinFast đã lựa chọn sân chơi danh giá nhất trên toàn cầu - Paris Motor Show để giới thiệu VinFast tới thế giới.
Tôi hy vọng bằng những chính sách tốt, cởi mở, vì một nền công nghiệp ô tô Việt, các nhà đầu tư tư nhân trong nước sẽ nhận được những chính sách ưu đãi tốt từ Chính phủ để nuôi dưỡng và xây dựng thành công ngành công nghiệp ô tô nước nhà phát triển bền vững

Chuyên gia ô tô Khương Quang Đồng (Pháp)

Hai chiếc xe được lái ra ngoài sân khấu và đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả. “Chúng tôi có thông điệp, có câu chuyện để kể, thu hút được trí tưởng tượng và sự chú ý của công chúng cũng như giới truyền thông. Trên sân khấu lúc đó thực sự rất náo động trong suốt thời gian ra mắt, khiến cho Ferrari (ra mắt ngay sau VinFast) đã phải dời lại phần công bố với truyền thông sau 10 phút. Toàn bộ chương trình đã được livestream về VN, nơi có 7 triệu khán giả đang theo dõi” - ông James DeLuca kể, vẫn chưa hết niềm tự hào. Đó cũng chính là thời điểm VN ghi tên mình lên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới, giấc mơ mà suốt gần 3 thập niên qua, chúng ta ấp ủ, khát khao nhưng chưa thể thực hiện.
Tương tự với Trường Hải, thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) cho biết, Trường Hải đã đòi lại ngôi vương ở tháng 4 vừa rồi với doanh số tổng các thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot, Thaco Bus, Thaco Truck (không tính BMW và MINI) đạt 8.148 xe, tăng trưởng 1% so với tháng trước. Cuộc chạy đua giữa Trường Hải với Toyota trước kia được đánh giá là không cân sức khi một bên là thương hiệu lớn của thế giới đến từ Nhật, một bên là doanh nghiệp nội địa yếu hơn cả về thương hiệu, kinh nghiệm lẫn tiềm lực tài chính. Thế nhưng đến năm 2015, Trường Hải đã chính thức vượt mặt Toyota để trở thành doanh nghiệp (DN) tiêu thụ ô tô con nhiều nhất thị trường. Cuộc chiến thị phần giữa 2 DN này vẫn tiếp tục nhưng vị thế đã thay đổi, DN nội đã vươn lên trở thành đối thủ đáng gờm của ông lớn ngoại tại thị trường nội địa.
Chuyên gia ô tô Khương Quang Đồng (Pháp) nhận xét, trong bối cảnh các DN quốc doanh mất hơn 20 năm không xây dựng được nền tảng cho nền công nghiệp ô tô Việt, các nhà lãnh đạo VinFast đã táo bạo đề ra một hướng phát triển mới chưa từng có trong lịch sử là tạo một thương hiệu Việt độc lập với tham vọng đưa ra trên nhiều thị trường thế giới. Ông Đồng gọi đây là “một chiến lược bài bản thông minh để rút ngắn đường vào thị trường thế giới của VinFast bằng sự kiện tham gia triển lãm lớn quốc tế”.
Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng với dây chuyền công nghệ hiện đại ảnh: Thái Nguyễn
Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng với dây chuyền công nghệ hiện đại Ảnh: Thái Nguyễn
Đặc biệt, cách VinFast chiêu mộ nhiều nhân sự cao cấp đến từ những tập đoàn quốc tế như GM, Bosch để đảm nhiệm những chức vụ quan trọng như tổng giám đốc, giám đốc thiết kế, giám đốc hoạch định và quản lý sản phẩm, trách nhiệm bộ phận kỹ thuật xe... theo ông Khương Quang Đồng là chiến lược táo bạo. “Vừa chào đời, VinFast đã thành công trong việc gây chú ý dư luận quốc tế và làm nổi lên “niềm tự hào dân tộc” của người Việt. Tuy nhiên, như mọi thương hiệu, khó khăn thách thức vẫn còn ở phía trước. Tôi hy vọng bằng những chính sách tốt, cởi mở, vì một nền công nghiệp ô tô Việt, các nhà đầu tư tư nhân trong nước sẽ nhận được những chính sách ưu đãi tốt từ Chính phủ để nuôi dưỡng và xây dựng thành công ngành công nghiệp ô tô nước nhà phát triển bền vững” - ông Đồng nói.

Ông lớn quốc doanh thua lỗ, bết bát

Ngược lại với sự bứt phá và nỗ lực của các DN tư nhân, các DN nhà nước trong lĩnh vực ô tô ngày càng bết bát. Báo cáo mới nhất của Ban kiểm soát gửi đến đại hội cổ đông dự kiến diễn ra cuối tháng 6 này cho thấy, có tới gần một nửa các công ty con của Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp VN - Công ty cổ phần (VEAM) trong năm 2018 làm ăn thua lỗ, nhiều DN thua lỗ nhiều năm cần được đưa vào giám sát đặc biệt, thậm chí kiến nghị giải thể, cho phá sản.
Các tài liệu liên quan cho thấy, tính đến giữa năm 2018, VEAM mất vốn, thua lỗ tại các đơn vị thành viên tổng số tiền là gần 380 tỉ đồng, trong đó riêng Nhà máy ô tô VEAM (VM) - đơn vị sản xuất chính của công ty mẹ VEAM đã chiếm tới gần 332 tỉ đồng. Điều đáng nói là, trong giai đoạn nhà máy hoạt động (từ 2010 đến 2017) thì không được tổng công ty giao vốn theo quy định cũng như không thực hiện đầy đủ công tác giám sát tài chính của chủ sở hữu. Thay vì giao vốn, từ năm 2010 đến tháng 6.2018, VEAM lại chuyển tiền trực tiếp cho nhà máy và chuyển trực tiếp cho khách hàng (ký hợp đồng mua bán vật tư linh kiện với nhà máy) hơn 1.341 tỉ đồng.
Trong đó, số tiền VEAM chuyển trực tiếp vào tài khoản VM là trên 726 tỉ đồng mà “phần lớn không có ý kiến, văn bản, nghị quyết từ HĐTV tổng công ty”. Một số khoản VEAM chuyển tiền thanh toán vật tư linh kiện cho nhà máy không có hợp đồng mua bán, nhập khẩu và các tờ trình, phê duyệt từ VEAM.
Điều bất thường là ngay từ năm 2010, hoạt động kinh doanh của nhà máy đã lỗ xấp xỉ 37 tỉ đồng nhưng phải đến cuối năm 2011, HĐTV tổng công ty mới họp và có nghị quyết “định hướng sản xuất kinh doanh” của nhà máy đến năm... 2016 mới có lãi. Theo Thanh tra Bộ Công thương, từ năm 2010 đến tháng 6.2018, mặc dù doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VM lên tới gần 8.000 tỉ đồng song tổng lợi nhuận trước thuế âm (-) tới 331,8 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất cập nhật tới tháng 5 của VEAM, tại thời điểm 31.12.2018, tổng số vốn công ty mẹ đã đưa vào VM lên tới 2.643 tỉ đồng. Đáng chú ý là, chỉ tính đến thời điểm cuối 2013, số tiền vốn lưu động mà VM nhận được của công ty mẹ là 1.214 tỉ đồng mà “không có một nghị quyết nào của HĐTV”. Và trong thời gian này, VM lỗ lũy kế 345 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến 31.12.2018, tổng lỗ lũy kế của VM giảm còn... 343 tỉ đồng nên số tiền phải thu của công ty mẹ còn 1.638 tỉ đồng.
Trước tình hình sản xuất kinh doanh bê bết của VM, đến cuối 2018, HĐQT VEAM đã phải lập đoàn thực hiện giám sát tài chính năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 tại VM. Trong khi kết quả 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục lỗ 21,19 tỉ đồng và nợ phải thu tại ngày 30.6 là 145,5 tỉ đồng (không tính khoản phải thu nội bộ) và nợ phải trả là 2.824 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.