Nếu như trước đây đường cát Thái Lan nhập lậu qua biên giới tỉnh An Giang chủ yếu tập kết ở khu vực giáp ranh thị xã Châu Đốc thì từ ngày cầu Cồn Tiên thông xe, “đại bản doanh” được chuyển về các xã biên giới của huyện An Phú.
Bình Di - dòng sông biên giới nối liền An Giang với Kandal (thuộc Campuchia) đủ rộng để những ghe trọng tải lớn lưu thông. Dọc theo tuyến biên giới tỉnh An Giang, trên đất Campuchia có hơn 30 kho hàng chứa đường cát Thái Lan, trong đó khu vực các xã Chạy-thum, Pẹc-chạy, huyện Cỏ-thum (tỉnh Kandal) có nhiều kho quy mô lớn.
Dưới bến khu vực các kho này, ghe trọng tải lớn neo đậu san sát. Tờ mờ sáng là những đội quân bốc vác đã chuyển hàng từ kho chứa xuống ghe. Một phụ nữ ngoài 50 tuổi ở xã Khánh Bình, chỉ tay về phía những chiếc ghe khẳm mẹp bên kia sông quả quyết là chở đường cát Thái Lan. Hai người con trai của bà cũng nhờ đó mà có công việc làm bốc vác đường lên xuống ghe. “Hàng được nêm sẵn đầy ghe, chỉ chờ đêm tối khi lực lượng chống buôn lậu lơ là, không tuần tra là đội ghe sẽ vượt sông, tuồn đường cát lậu vào những kho chứa tại các xã Khánh An, Khánh Bình và thị trấn Long Bình. Bất cứ bãi đất trống nào cũng có thể trở thành bến bốc dỡ hàng. Đầu nậu thay đổi địa điểm nhập hàng liên tục để đối phó với biên phòng”, người phụ nữ này cho biết.
|
Từ các kho hàng ở An Giang, đường lậu được hợp thức hóa bằng bao bì và chứng từ của các công ty đường trong nước. Vì thế, cánh xe máy có thể vô tư chất thành hàng cao tới đầu phía sau xe phóng vút trên đường, chuyển hàng đi tiêu thụ. Tỉnh lộ 956 từ khu vực biên giới về cầu Cồn Tiên nhỏ hẹp, xe cộ lại đông đúc nhưng các xe máy chở đường cát lậu vẫn lao vun vút…
Mặc dù đã có được những đoạn phim quay rõ cảnh vận chuyển đường cát lậu từ Campuchia về nội địa bằng nhiều cách trên tuyến biên giới, song chúng tôi vẫn quyết định trở lại chợ Tà Mâu (Campuchia) giáp xã Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc. Trên con rạch nhỏ cạn nước cặp chợ Tà Mâu, các ghe chở đường tấp nập. Những bãi đường tràn ra tận mép kênh.
Mặt trời lặn cũng là lúc đoàn ghe, vỏ lãi chở đường bắt đầu chộn rộn cho những chuyến “ăn đêm”. Đứng trên cầu Chắc Ri, nơi đoàn ghe, vỏ lãi đi qua, mấy người đàn ông địa phương chỉ cho chúng tôi tận tường đường đi, nước bước. Con rạch Chắc Ri bắt đầu từ sông Hậu rồi chẻ dọc cánh đồng lúa Vĩnh Ngươn đến tận chợ Tà Mâu với tổng chiều dài 1,5 km chính là con đường huyết mạch của dân buôn lậu.
Nhìn từ cầu Chắc Ri, chúng tôi chứng kiến các ghe gắn máy đuôi tôm công suất lớn lần lượt phóng qua. Mỗi ghe chở khoảng 30 bao loại 50 kg.
Một cửu vạn nhiều năm hành nghề ở Tà Mâu nay đã giải nghệ, tiết lộ: “Mỗi bao đường vận chuyển trót lọt về đến điểm tập kết thì dân đai được 3.600 đồng/bao. Một đêm các ghe ở đây vận chuyển hơn 4.000 bao, tức khoảng 200 tấn. Thời điểm hút hàng, chúng tôi phải làm từ đầu hôm đến sáng hôm sau, được khoảng 400-500 tấn”. Khi vào đến các kho, bãi tập kết trong nội địa, đầu nậu sẽ dùng xe tải phân bổ hàng tỏa đi các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM tiêu thụ.
Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại Thủ tướng Chính phủ hôm qua ban hành Công điện số 01/CĐ-TTg, trong đó nêu rõ: thời gian gần đây, tình hình buôn lậu gia tăng và diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Để đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt là thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 T.Ư, các bộ, ngành liên quan và chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát đối với các khu vực, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, kiên quyết ngăn chặn và xử lý tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm. TTXVN |
Thanh Quốc
Bình luận (0)