Các nước vùng Vịnh sẽ tận dụng tối đa 'Con đường tơ lụa' của Trung Quốc?

03/06/2018 14:08 GMT+7

Các nước vùng Vịnh dọc theo 'Con đường tơ lụa' thế kỷ 21 đang rất muốn tận dụng tối đa dự án lớn này của Trung Quốc.

Theo CNN, ông Kamal bin Ahmed Mohammed, Bộ trưởng Giao thông và Viễn thông Bahrain cho biết vùng Vịnh, với vị trí trung tâm của mình trong sáng kiến “Vành đai - Con đường” (BRI), sẽ là thị trường chính cho Trung Quốc và ngược lại.
“Sáng kiến Vành đai - Con đường có tham vọng lớn về bản chất, nhưng bằng cách tương tác với nhau, chúng tôi có thể mở ra những cơ hội tiềm năng. Chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ luôn tìm kiếm một thị trường mới cho dịch vụ của họ. Họ đang sản xuất hàng hóa và tăng sản lượng mỗi ngày, và chúng tôi có thể là thị trường cho những hàng hóa này”, ông Kamal bin Ahmed Mohammed nói tại Diễn đàn đầu tư Gateway Gulf Investment Forum được tổ chức trong tháng 5.2018.
Ông Kamal bin Ahmed Mohammed cho rằng ông thấy một cơ hội lớn cho các nước trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) vì cơ sở hạ tầng đã sẵn có, với nhiều tuyến đường và hành lang thương mại, chính trị khu vực ổn định, tài chính linh hoạt và có rất nhiều các yếu tố khác mà cả Trung Quốc và GCC đều có thể hưởng lợi từ nhau. Ngoài ra, nhờ BRI các nước vùng Vịnh có khả năng dể dàng cung cấp dầu và khí đốt ổn định cho quốc gia châu Á.
“GCC có các cảng, sân bay, cơ sở hạ tầng tất cả đã sẵn sàng, đó là một chiến thắng cho cả hai bên”, ông Kamal bin Ahmed Mohammed nói.
Theo ông Yusuf Abdalla Alireza, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành ARP Global Capital, công ty quản lý đầu tư có trụ sở tại Dubai, dầu mỏ và hàng hóa là “câu trả lời rõ ràng” về cách mà các nước vùng Vịnh có thể hưởng lợi từ sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu và sản phẩm lớn nhất, đồng thời là nước nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai của các nước vùng Vịnh. Ngoài dầu mỏ và hàng hóa, công nghệ cũng là yếu tố mà các nước ở khu vực này muốn tận dụng từ quốc gia châu Á.
Tuy nhiên, BRI không nhận được cảm tình của tất cả. Nhiều ý kiến chỉ ra rằng dự án đầy tham vọng này là bẫy nợ cho các nước đang phát triển tham gia vào dự án. Hiện cũng có tranh luận về việc liệu BRI chỉ là một chiến lược kinh tế, hay nó còn có mục đích khác là lan truyền tầm ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trên toàn thế giới.
“Tôi nghĩ rằng nó là một chút của cả hai. Nhưng tôi không nghĩ rằng nó phải xung đột với nhau, mà có thể bổ sung cho nhau”, ông Alireza nói.
Để bảo vệ BRI, Xiao Fu, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu tại Bank of China International, cho biết sáng kiến này phù hợp với đặc tính của Liên Hiệp Quốc (UN).
“Nhiệm vụ quan trọng của Vành đai - Con đường phù hợp với tầm nhìn của Liên Hiệp Quốc vào năm 2030 để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu cân bằng và bền vững”, ông Xiao Fu cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.