Hoạt động chuyển giá của không ít doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang không chỉ gây thất thu ngân sách, mà còn khiến DN trong nước và người tiêu dùng bị thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó, tình trạng DN FDI mang công nghệ lạc hậu vào VN cũng tạo nguy cơ biến VN thành bãi thải công nghệ…
Đó là ý kiến của các chuyên gia đóng góp tại buổi hội thảo Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vào hôm qua tại Hà Nội. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài , Bộ KH-ĐT, sau 25 năm, dòng vốn FDI vào VN đã không ngừng tăng mạnh. Giai đoạn 2001 - 2010 đóng góp 10 tỉ USD cho ngân sách, riêng 2010 là 3 tỉ USD và 2011 hơn 3,5 tỉ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, có tất cả 13.664 dự án đã cấp phép, trong đó 55 dự án hết hạn, hơn 100 dự án đã giải thể, còn lại 13.500 dự án đang hoạt động. Ngoài đóng góp lớn vào ngân sách, dòng vốn FDI đã giải quyết việc làm cho 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp.
|
Thiệt đơn thiệt kép từ chuyển giá
Tuy vậy, bên cạnh những con số nói trên, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại khi nhìn vào chất lượng, đặc biệt vấn đề chuyển giá rất nhức nhối thời gian qua. Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng chuyển giá đã và đang gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế quốc gia, cốt lõi của nó là các DN chuyển lợi nhuận ra ngước ngoài thông qua giá cao khi nhập khẩu nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị… và giá thấp khi xuất khẩu, bất chấp DN nước sở tại bị thua lỗ nặng. Thiệt hại đầu tiên là ngân sách thất thu từ thuế thu nhập DN và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Con số này không hề nhỏ, khi hiện tại các DN FDI chiếm tới 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chuyển giá làm “đội giá” máy móc thiết bị đầu vào của DN FDI, đồng thời phá giá sản phẩm đầu ra, dẫn tới thua lỗ giả tạo. Không ít trường hợp DN FDI liên tục thua lỗ, khiến vốn góp của phía liên doanh VN bị “bào mòn” đến khi không chịu nổi, phải nhượng lại, biến DN liên doanh thành DN 100% vốn nước ngoài. Thậm chí, chuyển giá đã “thổi phồng” nguồn vốn thực khiến bức tranh chung FDI bị méo mó, các DN FDI thua lỗ khiến lương lao động không được cải thiện, thậm chí còn bị giảm sút. Tuy nhiên, một hậu quả nghiêm trọng khác, theo TS Ánh, chuyển giá đã và đang tiêu diệt các DN và người tiêu dùng VN. Do đầu vào sản xuất kinh doanh của DN VN phụ thuộc vào nhập khẩu với mức giá cao mà sản phẩm đầu ra lại chịu sức ép bán phá giá của DN FDI. Hơn nữa, các DN trong nước phải chịu thuế trực thu (TNDN 25%), trong khi DN FDI chịu thuế gián thu (thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng) mà thực chất là người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu, nên DN VN đã khó lại càng khó cạnh tranh hơn.
Cẩn trọng với làn sóng từ Trung Quốc
PGS-TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), nêu lên một vấn đề hết sức quan ngại mà ông gọi là hiện tượng lấy “mỡ nó rán nó” của không ít DN FDI. Các DN này thường huy động vốn ngay trên thị trường nội địa để đầu tư, chỉ cho dự án đăng ký một ít vốn “mồi”, khi được chấp thuận sẽ huy động vốn nước sở tại, gây không ít hệ lụy đối với công tác quản lý và hiệu quả của các dự án. Ngoài ra, không dễ tiếp nhận công nghệ - kỹ thuật, bởi các DN đầu tư nước ngoài thường có xu hướng giấu bí quyết, coi đó như “bảo bối” trong thương lượng và cạnh tranh với nước chủ nhà. Trong khi phía chủ nhà không ý thức được tầm quan trọng và không đòi hỏi khắt khe, vì vậy khâu chuyển giao công nghệ từ trước tới nay vẫn để lại nỗi thất vọng lớn nhất.
|
Ông Nguyễn Xuân Trung, Viện Khoa học - Xã hội VN, cảnh báo xu hướng chuyển giao công nghệ lạc hậu, cũ kỹ đang để lại tác hại lớn cho môi trường, còn hiệu quả đầu tư thì cực thấp. Gần đây, theo ông Trung, Trung Quốc chú trọng nâng cao chất lượng dự án FDI thực hiện tại nước này, bằng cách cấm các dự án ô nhiễm môi trường, hao tổn nhiêu liệu, công nghệ không hiện đại. “Cụ thể, vào cuối 2011 chính phủ Trung Quốc thông báo nước này đã loại bỏ hàng nghìn DN lạc hậu, hiệu quả thấp trên cả nước. Rất có thể các dự án này đi cùng những thiết bị, dây chuyền đó sẽ tìm đến VN”, ông Trung dự đoán.
Chủ tịch - Tổng giám đốc Investconsult Group Nguyễn Trần Bạt nhìn nhận trong dòng FDI đổ vào VN, có thể có rất nhiều cái bẫy. Ra chợ thì mắc phải bẫy hàng giả, hàng kém chất lượng. Hút vốn FDI cũng vậy, khi đang cần tiền, cần gọi dự án, nhưng tiền vào VN có thể làm giàu mà cũng có thể làm bẩn người VN. Vậy, đồng tiền nào giàu, đồng tiền nào bẩn thì phải phân biệt được và có công nghệ lọc. Công nghệ lọc ở đây là sự lạnh lùng trong thẩm định, để tránh trở thành bãi thải về công nghệ, môi trường. “Hiện nay, việc phân cấp quá mạnh cho các địa phương, trong khi chưa nơi nào xây dựng được trung tâm công nghệ thẩm định dẫn tới việc đã sinh ra những đứa trẻ to quá kích thước mà nhà hộ sinh vẫn ở quy mô cấp xã, làm cho những đứa trẻ khổng lồ ấy lâm vào tình trạng hữu sinh mà vô dưỡng”, ông Bạt ví von về các dự án quy mô lớn, không hiệu quả.
Để giải quyết vấn đề thẩm định, ông Bạt đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT nên thành lập trung tâm thẩm định. Mỗi miền có thể có một trung tâm, với trách nhiệm thẩm định những DA theo hạn mức đầu tư nhất định, ví dụ từ 100 triệu USD trở lên.
Anh Vũ
Bình luận (0)