Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đánh giá việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước.
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, sau cuộc họp của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp về quá trình sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm diễn ra tuần trước, vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi.
Tại thông báo này, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước trong phạm vi điều chỉnh của nghị định này, báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp nói trên, Phó thủ tướng lưu ý, gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, nhất là khối bất động sản phát hành với lãi suất cao, lên tới 14%. Do vậy, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước rà soát, kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường hay không, có dấu hiệu gì cần lư ý hay không, hoặc việc phát hành với lãi suất cao như vậy có tác động tiêu cực đến thị trường lãi suất, áp lực cho hệ thống ngân hàng hay không.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, tính riêng 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã phát hành ra 60.000 tỉ đồng, trong đó tập trung ở một số tập đoàn tư nhân lớn và phát hành riêng lẻ cho một số đối tác mà không ra đại chúng.
Doanh nghiệp phải công bố đánh giá xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu
Trao đổi với Thanh Niên, GS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, nhìn nhận trong bối cảnh các ngân hàng đang phải thực hiện hạn chế tín dụng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, và phải tiếp tục đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thì khả năng phát hành trái phiếu để huy động vốn trong cộng đồng doanh nghiệp sẽ ngày càng nhiều hơn.
“Thời gian qua, một số doanh nghiệp, chủ yếu là trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, hạ tầng và chứng khoán phát hành trái phiếu với lãi suất cao, mức cao nhất lên đến 14,5%/năm, dấy lên lo ngại sẽ ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất, tác động tới ổn định kinh tế vĩ mô”, GS Đạt nói.
Dù vậy, theo chuyên gia này, để đánh giá được đầy đủ và toàn diện hơn về tác động và có những cảnh báo cần thiết về hiện tượng này, cần đánh giá và xem xét một số yếu tố có liên quan.
Thứ nhất, cần xác định quy mô huy động trái phiếu doanh nghiệp ở mức lãi suất cao hiện nay ở mức độ nào? Nếu mới ở quy mô nhỏ đối với một vài doanh nghiệp thì tác động đến mặt bằng lãi suất là không đáng kể.
“Tuy nhiên, nếu khan hiếm nguồn cung vốn trung và dài hạn tiếp tục, ngày càng nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao, tạo nên một “làn sóng” thì cần hết sức thận trọng, vì với quy mô lớn, tác động đến việc duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hiện tại là khó khăn, chưa nói đến mong muốn kéo giảm lãi suất”, GS Đạt bày tỏ.
Thứ hai, về mức lãi suất trái phiếu một số doanh nghiệp huy động đã cao quá chưa thì GS Đạt nói: "Hiện tại, lãi suất của các tổ chức tín dụng là khoảng 9-11% đối với cho vay trung và dài hạn. Để trái phiếu doanh nghiệp đủ hấp dẫn, huy động được ngay nguồn vốn đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, lãi suất trái phiếu có thể cao hơn một chút, chẳng hạn là 12-12,5%, là ở mức hợp lý".
Vì vậy, đối với người mua trái phiếu, GS Trần Thọ Đạt lưu ý “lãi suất càng cao thì rủi ro cũng sẽ càng lớn” nên người mua trái phiếu cần xem thông tin từ bản cáo bạch phát hành trái phiếu liên quan, như có được ngân hàng bảo lãnh không, có tài sản đảm bảo không, và phải cập nhật được những thông tin liên tục sau khi trái phiếu phát hành.
TS Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM) cũng khuyến cáo, lãi suất cao là rủi ro cao, những kênh có mức sinh lời trên 10% thì độ rủi ro sẽ càng lớn. Người mua trái phiếu cũng khó có thể cập nhật thông tin liên tục sau khi trái phiếu phát hành. Vì vậy, trái phiếu doanh nghiệp sau phát hành cần phải được niêm yết trên thị trường chứng khoán mới minh bạch thông tin.
Ngoài ra, theo quy định hiện nay dù không bắt buộc, nhưng doanh nghiệp phải công bố đánh giá xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Điều này rất quan trọng mà hầu hết các đợt phát hành trái phiếu DN đều bỏ qua.
Bình luận (0)