Cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp

24/08/2019 07:46 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức cảnh báo các ngân hàng thương mại về rủi ro trái phiếu doanh nghiệp , đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản .

Trước đó, nhiều công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu với lãi suất cao, thậm chí gấp đôi lãi suất tiết kiệm bình quân trên thị trường.

Chạy đua phát hành

Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN) tháng 7 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu VN (VBMA) cho biết, có 22/23 DN phát hành trái phiếu thành công với số vốn huy động 6.764 tỉ đồng và 300 triệu USD (tương đương 6.960 tỉ đồng). Như vậy, số vốn huy động qua trái phiếu tháng 7 lên đến 13.724 tỉ đồng, tăng hơn 800 tỉ đồng so với tháng 6 và nâng con số phát hành trong 7 tháng đầu năm lên gần 130.000 tỉ đồng.
Lãi suất phát hành trái phiếu được chia thành 2 nhóm, theo đó các ngân hàng (NH) huy động với lãi suất từ 6,25 - 7,35%/năm, còn các DN phát hành với lãi suất phổ biến từ 10 - 12%/năm. Chẳng hạn, Công ty CP đầu tư phát triển Phú Châu phát hành 800 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất năm đầu là 11,5%/năm, các năm tiếp theo bằng lãi suất thả nổi 1 năm của 3 NH cộng thêm biên độ 4,8%/năm. Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất trong năm đầu 11%/năm, các năm tiếp theo sẽ bằng lãi suất tiết kiệm 1 năm của TPBank cộng với biên độ 3,5%/năm…
Mức lãi suất trái phiếu DN từ 10 - 14,5%/năm thu hút sự chú ý của thị trường bởi cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm ở nhiều nhà băng. Thế nhưng lãi suất của trái chủ thực nhận, sau khi đã trừ đi chi phí cho NH thực tế không cao như vậy. Theo hướng dẫn của chị Nga (nhân viên huy động vốn của một NH trên địa bàn TP.HCM), lãi suất trái phiếu mà NH này đang phát hành cho Công ty AD hiện là 11%/năm nhưng sau khi trừ đi phí, trái chủ sẽ nhận lãi suất thực từ 9 - 9,5%/năm. Lãi suất này chỉ nhỉnh hơn mức lãi suất huy động bình quân một chút, nếu so với chứng chỉ tiền gửi lên hơn 10%/năm vừa được ngân hàng phát hành, xem ra còn kém hấp dẫn hơn. Nguyên nhân là do thị trường trái phiếu DN của VN chưa phát triển mạnh nên DN phải thông qua ngân hàng hoặc công ty chứng khoán thuộc NH để phát hành công cụ nợ khiến chi phí phát hành trái phiếu của DN tăng đáng kể và giảm hiệu quả của khoản nợ này.

Ngân hàng "ăn 2 đầu"

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính, cho hay DN phát hành trái phiếu huy động vốn là hướng đi đúng nhằm tránh phụ thuộc vào tín dụng NH. Có điều việc phát hành trái phiếu, đặc biệt trái phiếu DN bất động sản (BĐS) nở rộ gần đây thì cần phải cẩn trọng hơn. Hiện nay thị trường trầm lắng, các DN BĐS đã khó bán nhà hơn mà lại đi phát hành trái phiếu với sự tham gia bảo lãnh phát hành của NH cũng cần xem xét sau đó là gì. Đây cũng là lý do tại sao NHNN lại cảnh báo các NH rủi ro tín dụng vào BĐS.
Ông Thịnh cũng lưu ý, dù đợt phát hành trái phiếu của DN có NH bảo lãnh nhưng người mua trái phiếu cần lưu ý xem đó là bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Khi thực hiện bảo lãnh phát hành, NH phải bao tiêu toàn bộ. Trong trường hợp trái phiếu DN không bán được thì NH sẽ chịu rủi ro. Vấn đề trái chủ cần quan tâm là NH có cam kết bảo lãnh thanh toán khi DN mất khả năng thanh toán trái phiếu hay không. Ở nước ngoài, NH bảo lãnh thanh toán cũng giống như một hình thức cấp tín dụng, chỉ là không phải cho vay trực tiếp.
Đáng lưu ý trong danh sách các đơn vị phát hành trái phiếu mà VBMA đưa ra, hầu hết là DN BĐS, lĩnh vực mà NH hạn chế cho vay. Việc NH đứng ra bảo lãnh trái phiếu cho DN sẽ “một mũi tên trúng 2 đích” thay vì cho DN vay tiền theo hình thức thông thường. TS Nguyễn Trí Hiếu,
Cố vấn NH TMCP Quốc Dân (NCB), phân tích: Bảo lãnh là hình thức cam kết nên nhiều khi NH đưa vào ngoại bảng, không tính vào tăng trưởng tín dụng mà vẫn thu lợi từ phí bảo lãnh. Làm thế, NH vẫn đảm bảo không tăng trưởng tín dụng, đặc biệt vào BĐS mà vẫn “ăn” phí từ 1 - 2%/năm, đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận dịch vụ. Ông Hiếu cũng cho rằng phát triển thị trường trái phiếu là điều cần thiết, nhưng cần minh bạch thông tin trên thị trường này để tránh hiện tượng một số DN không trả được gốc và lãi cho trái chủ sẽ dẫn đến cách nhìn tiêu cực đối với trái phiếu.

Sẽ xử lý ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ

Cơ quan Thanh tra giám sát, NHNN vừa ban hành Văn bản 6128, yêu cầu các NH kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu DN. Theo đó, hoạt động đầu tư trái phiếu DN của NH các tháng đầu năm 2019 tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số NH có số dư đầu tư trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh; đầu tư trái phiếu để tái cơ cấu lại nợ. Đặc biệt, trong lĩnh vực BĐS, trong khi thị trường này chưa phục hồi vững chắc, hoạt động của DN còn gặp nhiều khó khăn.
Để hạn chế rủi ro, Thống đốc NHNN yêu cầu các NH không được mua trái phiếu DN, trong đó có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của DN. Yêu cầu NH kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh BĐS hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS để hạn chế rủi ro. NHNN sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm.
Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.