Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng nguy cơ ‘đổ bể’ vì thiếu vốn

15/06/2020 09:28 GMT+7

Hơn 40 km cuối kết nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) bất đắc dĩ trở thành đường cụt do dự án Hữu Nghị - Chi Lăng nhiều năm nay chưa tìm được lối ra.

“Cao tốc cụt”

Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản giao UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ KH-ĐT về khả năng hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho dự án, chủ động quyết định lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.
Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản “kêu cứu” lên Chính phủ sau nhiều chật vật tháo gỡ khó khăn cho dự án bất thành. Theo tỉnh Lạng Sơn, nhà đầu tư dự án đã góp 424 tỉ đồng và thực hiện giải ngân 290 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, quản lý dự án… Mặt bằng dự án cũng đã hoàn thành 8,5/43,6 km (đạt 20%), song cũng đang phải tạm dừng lại do thiếu vốn.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã cam kết bố trí vốn ngân sách địa phương 1.000 tỉ đồng, đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ dự án khoảng 2.160 tỉ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước có ý kiến với Vietinbank và các ngân hàng thương mại khác xem xét, thu xếp phần vốn tín dụng còn thiếu của dự án (khoảng 1.400 tỉ đồng), nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng khó có thể hoàn thiện trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, hiện đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã khai thác từ đầu năm 2016, đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) cũng đã vận hành từ đầu năm 2020.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang thành "cao tốc cụt"

Ảnh ĐQ

Việc 2 đoạn tuyến cao tốc này kết thúc chơi vơi, còn 30 km nữa mới đến thành phố Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 43 km, đang ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác toàn tuyến, cũng như chưa có cơ sở kết nối và triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Cần “vốn mồi” từ ngân sách?

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lạng Sơn hồi tháng 3, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bộ GTVT rà soát để điều chỉnh lại tổng mức đầu tư của dự án, phương án tài chính cũng như cơ cấu vốn tham gia, đảm bảo tính khả thi, nguồn trả nợ vay. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng thương mại xem xét quyết định cho vay.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, nhà đầu tư dự án, các ngân hàng ngần ngại cho vay do dự án có quy mô quá lớn, nếu không có vốn mồi hỗ trợ từ nhà nước, tương tự như mô hình PPP các dự án cao tốc Bắc - Nam, thì dự án rất khó khả thi về thu xếp vốn.
Doanh nghiệp này cũng đã đề xuất phân kỳ dự án, giảm gánh nặng vốn vay. Theo đó, với dự án thành phần 1, doanh nghiệp này đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận bố trí vốn ngân sách hỗ trợ hơn 2.000 tỉ đồng. Với dự án thành phần 2, báo cáo Chính phủ bố trí ngân sách trung ương để thực hiện cùng nguồn vốn nhà đầu tư và ngân sách địa phương.
Theo ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội Lạng Sơn, để gỡ khó cho dự án, cần thay đổi cơ cấu vốn trong tổng mức đầu tư dự án (hiện nay là 8.310 tỉ đồng), theo hướng nhà đầu tư góp 1.750 tỉ đồng, tỉnh Lạng Sơn cũng cam kết góp 1.000 tỉ đồng, ngân hàng BIDV đã cam kết hỗ trợ 2.000 tỉ đồng.
Ông Thành cũng đề xuất nhà nước sắp xếp bố trí 2.160 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng các công trình phụ trợ như thực hiện với các công trình cao tốc khác. Đối với phần vốn vay thương mại còn thiếu 1.400 tỉ đồng, ngân hàng nhà nước hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại khác tham gia đầu tư.
Tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng từng được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2016 với quy mô 43 km, tổng mức đầy tư 8.743 tỉ đồng, giao cho Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Mục tiêu đặt ra khi đó sẽ hoàn thành vào năm 2019 để khép kín toàn bộ tuyến cao tốc nối Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn).
Sau 2 năm chật vật do khó khăn thủ tục pháp lý, năm 2018, dự án được chuyển đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn, đổi hình thức đầu tư BOT. Tuy nhiên, dự án tiếp tục long đong khi sau 2 năm vẫn chưa thể khởi động do không thu xếp được vốn vay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.