Châu Âu vẫn 'nghiện' khí đốt Nga

06/06/2018 17:56 GMT+7

Dù cố gắng thế nào, châu Âu vẫn không thể hoàn toàn xa rời năng lượng Nga.

Theo CNN, Tổng thống Nga Vladimir Putin được chào đón nồng hậu ở Vienna (Áo) hôm 5.6, ngày kỷ niệm lần thứ 50 Áo trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên nhập khẩu khí đốt của Liên Xô kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Đây là chuyến thăm hiếm hoi: Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga vì hành động của nước này với Ukraine vào năm 2014, lên án mối liên hệ của Moscow trong vụ hạ độc cựu gián điệp Nga Sergei Skripal ở Anh.
Chuyên gia Kristine Berzina tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ cho hay: “Chuyện một lãnh đạo châu Âu được Tổng thống Putin đến thăm cấp nhà nước tại thủ đô của nước họ là không bình thường, xét đến bối cảnh căng thẳng hiện thời giữa châu Âu và Nga”. Dù vậy, sự thù địch giữa hai bên kết thúc khi nhắc đến chuyện năng lượng vì các lãnh đạo châu Âu nhận thức rõ rằng hàng triệu ngôi nhà sẽ không được sưởi ấm nếu Nga chặn đường ống khí đốt.
Nhập khẩu từ Nga đang tăng
EU nhập khẩu 69% lượng khí đốt tự nhiên, theo số liệu từ Ủy ban châu Âu (EC). Dữ liệu mới nhất cho thấy 37% lượng khí đốt nhập khẩu đến từ Nga, khoảng 33% đến từ Na Uy và 11% từ Algeria. Dù EU cam kết giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, xuất khẩu của Nga đến châu Âu vẫn tăng lên mức kỷ lục trong hai năm qua.
Nhập khẩu khí đốt Nga vào Áo tăng gần gấp đôi trong quý 1/2018 so với năm ngoái. “Có nhiều lý do cho điều này, cụ thể là sự sụt giảm sản xuất ở Hà Lan, thực tế một số hoạt động phát triển khí tự nhiên hóa lỏng bị trì hoãn, và thực tế là khí đốt Nga rất cạnh tranh về mặt giá cả. Thực tế, khí đốt Nga là lựa chọn tốt nhất”, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Khí đốt tự nhiên tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford James Henderson cho hay.
Nhiều nước EU, đặc biệt là những nước gần Nga nhất, vẫn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt Nga. Hơn nữa, phần lớn khí đốt tự nhiên Nga được bơm qua Ukraine, con đường nguy hiểm vì hai nước đang có xung đột.
Nga cũng cần châu Âu
Trước đây Nga tận dụng sự phụ thuộc năng lượng của Ukraine vào nước này để gây áp lực lên Kiev. Một số lãnh đạo châu Âu lo ngại rằng Nga có thể áp dụng cùng chiến lược với EU để trả đũa các lệnh trừng phạt.
“Dù vậy điều này không thực sự xảy ra. 67% doanh thu thuế Nga đến từ xuất khẩu năng lượng. Nga cần thương mại, giao dịch này hơn EU”, nghiên cứu sinh cao cấp Marco Siddi tại Học viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan cho hay. Các kế hoạch về đường ống dẫn khí mới đi qua Ukraine được thực hiện trong nhiều năm, song châu Âu vẫn chia cắt sâu sắc về dự án này.
Những nước phản đối cho rằng đường ống Nord Stream 2 sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc của EU vào năng lượng Nga, song Đức và một số nước khác cho biết đường ống sẽ giúp an ninh năng lượng châu Âu tốt hơn. “Tôi cho rằng ở Áo, ở Đức, mối quan hệ kinh tế trong vấn đề năng lượng vượt vấn đề chính trị”, chuyên gia Berzina cho hay.
Phụ thuộc nhiều thập niên
EU có nhiều bước đi để “cai” khí đốt Nga. Đơn cử, họ đầu tư vào các trạm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Ba Lan và Lithuania để có thể sử dụng khí đốt từ các nước khác. Các nhà sản xuất Mỹ cũng nỗ lực xuất thêm khí đốt đến châu Âu, nhưng họ hầu như không thể cung cấp giá cạnh tranh được với Nga. Châu Âu cũng xây dựng nhiều liên kết đường ống tốt hơn giữa các nước, để họ có thể vận chuyển khí qua lại mà vẫn giữ giá cạnh tranh.
Mặc cho các nỗ lực trên, châu Âu có thể vẫn sẽ phụ thuộc vào khí đốt Nga trong nhiều thập niên tới. “Châu Âu là khu vực nhập khẩu năng lượng lớn. Không có nhiều lựa chọn ngoài việc giảm sử dụng khí đốt nói chung”, ông Henderson nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.