Áp trần, người tiêu dùng thiệt
|
Với quy định mới này, trong tháng khuyến mãi do Sở Công thương TP.HCM tổ chức vào tháng 9 tới, các doanh nghiệp (DN) tham gia có thể giảm giá lên đến 100%. Tuy nhiên, vào dịp khác như Black Friday thì vẫn chỉ được giảm giá tối đa 50%. Bà Đặng Quỳnh Đoan, Giám đốc Công ty thời trang Việt Thy, cho rằng so với quy định cũ thì nhà nước đã nới lỏng hơn cho hoạt động khuyến mãi vì thỉnh thoảng có thể giảm giá sốc so với trước. Nhưng hạn mức giảm giá tối đa 50% tồn tại hơn 10 năm qua đã bó buộc các DN, đặc biệt trong lĩnh vực hàng thời trang vốn thay đổi liên tục theo các mùa khiến vòng đời sản phẩm ngày càng rút ngắn, lượng hàng tồn kho luôn ở mức cao.
Vì vướng quy định, nhiều đơn vị tìm cách “lách”. Chẳng hạn sau khi giảm giá 50%, nếu khách mua hàng đạt mức 1 triệu đồng sẽ được giảm thêm 10 - 20%. Như vậy tổng cộng mức giảm đã vượt quá quy định 50%. Tình trạng này dẫn tới sự bất bình đẳng là các thương hiệu lớn thường đăng ký nghiêm túc nên không dám vượt rào, còn nhiều cửa hàng nhỏ giảm đến 70 - 80% nhưng cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện. “Tôi cho rằng nên bỏ hẳn trần khuyến mãi để DN chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh. Họ sẽ liệu cơm gắp mắm tùy vào tình hình của mình và thị trường để đưa ra chính sách khuyến mãi cụ thể. Như vậy, người tiêu dùng cũng có lợi hơn khi thêm cơ hội mua hàng giá rẻ”, bà Đoan kiến nghị.
Đại diện một trung tâm điện máy tại TP.HCM cho rằng mức giảm giá đến 50% là đủ vì các DN cũng không thể giảm giá thường xuyên. Tuy nhiên trong một số dịp đặc biệt, vẫn có một số hàng hóa muốn giảm giá mạnh hơn, lên khoảng 70%, để dọn kho. Khi đó, đơn vị này chỉ bán nội bộ cho nhân viên mà không thể bán rộng rãi cho khách hàng. Vì vậy, việc nhà nước chưa dỡ hẳn trần khuyến mãi theo ông là “điều đáng tiếc cho người tiêu dùng nói chung”.
Nên để Doanh Nghiệp tự quyết định
Quy định không cho phép DN giảm giá khuyến mãi quá 50% đã ban hành từ năm 2006 và đều được các DN lẫn chuyên gia nhận định là quá lạc hậu với thị trường. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, phân tích: Những sản phẩm đã có thương hiệu thì khuyến mãi 50% cũng thu hút được khách hàng. Nhưng với nhiều DN của VN vốn nhỏ, thương hiệu không nổi tiếng thì đôi khi giảm giá đến 70% cũng chưa chắc bán được hàng. Vì vậy, tùy tình hình cụ thể DN cần phải giảm giá mạnh hơn mới có người mua. Đặc biệt sản phẩm quần áo, thời trang thì hàng qua mùa phải được bán nhanh để có vốn quay vòng sản xuất. Do đó, nhà nước nên xem xét có thể gỡ bỏ trần giảm giá đối với một số ngành hàng mang tính mùa vụ cao. “Các DN đều tính đến hiệu quả và kinh doanh có lời. Có hiện tượng một số đơn vị, cửa hàng nâng giá lên trước đó rồi giảm mạnh sẽ không thể tồn tại. Vì vậy không nên đưa ra quy định cụ thể mức giảm giá bao nhiêu. Việc vẫn duy trì mức trần giảm giá vô hình trung tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường cũng như buộc nhiều đơn vị phải tìm cách lách luật. Chưa kể quy định mới cũng tạo nên sự phân biệt giữa các chương trình cho nhà nước thực hiện và DN khiến môi trường kinh doanh chưa thật sự minh bạch”, ông Hồng nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, cũng nhận định giữ quy định mức trần giảm giá hàng hóa tối đa 50% là không hợp lý và gây khó khăn cho hoạt động của DN. Trong khi đó lại mở rộng lên mức giảm giá 100% đối với các chương trình khuyến mãi của nhà nước tổ chức là phân biệt đối xử. “Tôi vẫn mua hàng giảm giá đến 80 - 90% hay như ăn tô phở giá 0 đồng, tương đương khuyến mãi đến 100% mà có thấy ai bị xử lý gì đâu? Việc giảm giá này ở các nước vẫn thường xuyên xảy ra thì tại sao VN lại không được? Áp trần khuyến mãi tối đa 50% nhưng nhiều đơn vị vẫn giảm mạnh hơn, như vậy quy định ban hành là không khả thi và không phù hợp quy luật của thị trường”, luật sư Đức nhận xét.
Bình luận (0)