'Chợ' nợ xấu sắp mở

03/07/2021 06:40 GMT+7

Sàn giao dịch nợ xấu VAMC dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý 3, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tốc độ xử lý nợ nhanh hơn.

Dự kiến quý 3 ra mắt sàn giao dịch nợ

Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết đã triển khai thủ tục đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh và đã được Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Những khoản nợ đưa lên sàn giao dịch phải đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, tránh khởi kiện sau mua, ảnh hưởng đến uy tín của “chợ”. Sàn thu phí thì có trách nhiệm xem xét tính pháp lý đầy đủ của hàng hóa dịch vụ trên sàn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng

VAMC cũng đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch nợ với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân. Sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.
Thực tế, các ngân hàng (NH) vẫn đăng thanh lý, phát mãi tài sản, đấu giá khoản nợ trên website của mình với đủ các loại từ bất động sản lớn, nhà cửa, ô tô... đến những khoản vay vài triệu đồng tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thanh (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết cũng có thời điểm tìm hiểu để “săn” mua tài sản NH phát mãi xử lý nợ giá rẻ mà không thành. Không ít người cũng thường dạo quanh chợ nợ này với hy vọng kiếm được món tài sản phù hợp. Chị Thanh cho biết khi có nhu cầu tìm nhà ở địa bàn Q.3, chị đã vào websibe của các NH, nhưng do các khoản nợ quá lớn, từ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng, hầu hết là tài sản đảm bảo của doanh nghiệp và ở các tỉnh thành khác nhau nên đành bỏ cuộc. Nay khi nghe sàn giao dịch nợ xấu chuẩn bị đi vào hoạt động, chị Thanh hy vọng có thể tìm được thông tin phát mãi nhà giá rẻ trên trang này “đỡ phải dạo khắp nơi”.
VAMC cho hay dự kiến khoảng đầu quý 3/2021 sẽ ra đời sàn giao dịch nợ xấu. Ngoài ra, mới đây Hiệp hội NH đã thành lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các VAMC lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ. Lũy kế từ khi thành lập đến cuối năm 2020, VAMC cùng các tổ chức tín dụng đã xử lý trên 290.000 tỉ đồng nợ xấu; trong đó, tổ chức này thu hồi nợ đạt gần 167.000 tỉ đồng. VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt trên 374.000 tỉ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 342.000 tỉ đồng.
Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (15.8.2017), kết quả thu hồi nợ của VAMC chiếm 63% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập đến 31.12.2020. Trong đó năm 2020, công ty đã xử lý và phối hợp xử lý trên 46.000 tỉ đồng, thu hồi nợ từ trái phiếu đặc biệt trên 14.000 tỉ đồng.

“Chợ” mua bán nợ sẽ sôi động ?

GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng chủ trương thành lập sàn giao dịch nợ xấu là đúng và cần thiết. Đáng lý ra sàn giao dịch nợ phải được thành lập từ sớm chứ không phải đến thời điểm này. Hiện nay cơ chế hoạt động của sàn giao dịch nợ vẫn chưa được công bố giao dịch như thế nào, nhưng cũng giống như các sàn giao dịch khác, muốn thành công, sôi động phải thu hút được người mua và người bán tham gia, đồng thời sàn phải có tính thanh khoản cao.
Thanh khoản cao là điểm sống còn của một cái sàn, nếu rơi vào tình trạng “chợ chiều” là thất bại. Sàn giao dịch nợ cũng nên đảm bảo một số tiêu chí rõ ràng, chẳng hạn như hàng hóa dịch vụ công bố phải có tính pháp lý minh bạch rõ ràng, cũng như cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia hay không…
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội NH VN, kỳ vọng sàn giao dịch nợ sẽ đẩy nhanh tốc độ nợ xấu nhanh hơn. Trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ được thành lập theo luật Doanh nghiệp đều có thể tham gia. Do cung - cầu nợ trên thị trường chưa gặp nhau nên sàn ra đời kết nối giữa người mua và bán.
Ông Hùng ví von sàn giao dịch nợ giống “chợ”, người nào cần bán hay mua đều có thể tham gia. Hiện nay trên trang web của VAMC chỉ mới thông tin về những khoản nợ của VAMC mà chưa có các thông tin tập hợp của các tổ chức tín dụng khác. Khi có sàn, thông tin sẽ tập trung vào một chỗ để người mua lựa chọn. Những sản phẩm đưa lên sàn có đầy đủ thông tin, hồ sơ pháp lý ra làm sao, tính pháp lý tài sản đảm bảo như thế nào, vị trí tài sản ở đâu, giá cả hàng hóa có thay đổi như thế nào trong quá trình xử lý…
Liên quan tính pháp lý khoản nợ, người mua thời gian qua ngại ở thủ tục xử lý nợ, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng Nghị quyết 42 đã hỗ trợ rất nhiều việc xử lý nợ của các tổ chức tín dụng. Về nguyên tắc, bán nợ kèm theo tài sản khác với bán tài sản đảm bảo. Bán nợ là bán toàn bộ nguyên trạng cả gốc và lãi kèm theo tài sản, cho nên về chủ quyền tài sản vẫn thuộc về người vay. Người mua nợ có thể là chủ nợ nhưng cũng chưa chắc xử lý được khoản nợ đấy nếu con nợ không đồng ý. Ở đây, tài sản đảm bảo phải đủ tính pháp lý, trong khi thực tế có những cái chưa đầy đủ. Trong trường hợp đó, phải nói rõ và phối hợp với con nợ để xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.