Ngày sau thông báo của Bộ
Tài chính về việc
dừng phát hành xổ số kiến thiết trong 15 ngày kể từ ngày 1.4 để phòng chống dịch
Covid-19, hàng vạn người bán vé số dạo trên khắp cả nước như ngồi trên đống lửa vì không biết làm sao để sống qua những ngày khốn cùng sắp tới.
Tâm sự của người bán vé số “chưa biết làm sao” trước ngày nghỉ bán vì dịch Covid-19
|
"Nghỉ 15 ngày thì họ lấy cái gì mà ăn"?
Trưa 30.3, trên các trang
mạng xã hội lan truyền nhau một thông báo được cho là của một đại lý bán vé số tại TP Vĩnh Long, thông tin về việc đại lý này sẽ hỗ trợ 50.000 đồng/ngày cho mỗi khách hàng bán lẻ (người bán vé số dạo) trong vòng 15 ngày ngưng phát hành xổ số. Thông báo này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của rất nhiều người vì trong lúc tình hình kinh tế khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng "đuổi"
người lao động của mình không một đồng trợ cấp thì lại có một đại lý vé số nhỏ sẵn sàng bỏ tiền "nuôi" khách hàng.
Theo số điện thoại ghi trên thông báo, chúng tôi liên hệ với anh Nguyễn Thanh Tâm (sinh năm 1986, ngụ tại địa chỉ 62/43B Nguyễn Chí Thanh, phường 5, TP Vĩnh Long). Chào chúng tôi bằng giọng niềm nở rặt miền Tây, anh Tâm xác nhận chính anh là người viết thông báo này trên trang Facebook cá nhân để chuyển lời tới khách hàng, bạn bè được biết. Theo anh Tâm, đại lý vé số cấp 2 của anh được đặt tên là "Thiện" - cũng chính là nhà nơi anh cùng gia đình đang sinh sống - đã hoạt động được hơn 20 năm. Trong suốt nhiều năm qua, nhà anh là nơi gần 30 bạn bè lối xóm, bà con trong phường và một số người ở phường khác tới lấy vé số đi bán dạo hàng ngày. Vừa là khách hàng, vừa là tình thân gắn bó lâu năm nên ngay khi thấy thông tin nhà nước yêu cầu ngưng bán vé số, anh Tâm đã nghĩ ngay tới việc phải làm gì đó để hỗ trợ những người này.
"Mình là ngồi trong nhà nghe
tin tức số ca nhiễm tăng lên từng giờ mà còn sợ, họ phải lang thang khắp nơi, tiếp xúc nhiều người, quen có, lạ có thì nguy hiểm cỡ nào. Thế mà dù dịch bùng phát, chưa cấm thì họ vẫn phải cố đi bán, cũng vì hoàn cảnh mưu sinh, cơm áo gạo tiền hàng ngày. Tội lắm. Nghỉ bán nửa tháng thì mình cùng lắm mất mười mấy triệu tiền lời, vẫn còn cái nọ khoản kia, còn họ là hàng ngày không biết lấy gì ăn. Không giúp đỡ họ thì không đành lòng" - anh Tâm bảo.
Từ suy nghĩ trên, anh Tâm quyết định hỗ trợ gần 30 bạn hàng, mỗi người 50.000 đồng/ ngày, bắt đầu từ 1.4 - 15.4. Như vậy, trong 15 ngày mỗi bạn hàng của anh Tâm sẽ được hỗ trợ 750.000 đồng.
"Tôi yêu cầu mọi người mỗi ngày đều đến lấy, không đưa 1 lần vì có người họ hoang, không tính toán, tiêu hết luôn thì những ngày sau lấy đâu mà ăn. Tuy nhỏ nhưng đây cũng là một phần gia đình tôi chia sẻ để họ yên tâm ở nhà phòng dịch, không cố ra ngoài kiếm tiền, nguy hiểm" - chủ đại lý vé số "Thiện" cho hay.
Việt Nam có 203 bệnh nhân nhiễm virus corona, thêm 7 nhân viên công ty Trường Sinh
|
Địa phương cần chung tay giúp đỡ
Dịch Covid -19 lan rộng và bùng nổ đang đẩy rất nhiều người lao động vào tình cảnh khốn khổ. Lao động có hợp đồng khi nghỉ việc còn được hưởng một số chế độ, còn với những người làm thời vụ, không ký hợp đồng, nghỉ việc là nghỉ luôn mà không thể đòi hỏi quyền lợi gì.
Những người bán vé số dạo, người thì khuyết tật, mất khả năng lao động, người thì vô gia cư không nơi nương tựa... họ hàng ngày đội mưa đội nắng chạy khắp đường lớn ngõ hẻm bán vé số dạo thường chỉ mong bán làm sao cho đủ tiềm cơm qua ngày.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, những đối tượng khó khăn như người bán vé số dạo, người giúp việc, chạy xe ôm... cần được sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước. Ông Hậu đề xuất các quận, huyện nên tổ chức quán cơm từ thiện cho những người lao động không có hợp đồng như người bán vé số, nhặt ve chai, chạy Grab…, hỗ trợ phần nào cho các
hoàn cảnh khó khăn mùa dịch bệnh. Còn với những người lao động có hợp đồng 1 năm mà gần hết hoặc vừa hết hợp đồng, doanh nghiệp nên trả lương cho họ, có quyền hạch toán lỗ do thiên tai dịch bệnh. “Doanh nghiệp, thành phố mà không lên kế hoạch làm ngay, không hỗ trợ là rất có lỗi với người dân”, ông Hậu nói.
Bình luận (0)