Hoàn thành dự án vào cuối 2022
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng phục vụ nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, cùng với dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không dân dụng Phan Thiết theo hình thức BOT, công suất 2 triệu hành khách một năm.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sân bay Phan Thiết là cảng hàng không cấp 4E, với chức năng là sân bay dùng chung quân sự và dân dụng, có hoạt động bay quốc tế, với 1 đường cất hạ cánh có chiều dài 3.050 mét, qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo quyết liệt hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư dự án xây dựng sân bay Phan Thiết theo quy định, quyết tâm hoàn thành vào cuối năm 2022.
Ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá việc triển khai xây dựng tại sân bay quân sự tại Thành phố Phan Thiết là tiền điền quan trọng để Tỉnh Bình Thuận triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT đưa vào khai thác đồng bộ Cảng Hàng không.
"Trong thời gian tới, UBND Tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở ngành và địa Phương khẩn trương thực hiện hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các hạng mục bổ sung như đường giao thông kết nối, hoàn tất thủ tục bàn giao mặt bằng các hạng mục còn lại cho Bộ Quốc Phòng. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát, sinh tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình triển khai dự án" - ông Phong nói và thông tin:
Đối với hạng mục hàng không dân dụng, UBND Tỉnh Bình Thuận đang chỉ đạo các sở ngành Nhà đầu tư BOT tích cực phối hợp với các bộ Ngành Trung Ương để sớm thẩm định và trình Thủ Tướng Chính Phủ Phê duyệt chủ trương, hoàn thành các thủ tục theo quy định để triển khai thi công song song với sân bay quân sự, đảm bảo toàn bộ cảng Hàng không Phan Thiết đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ.
Sân bay Phan Thiết khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giúp Phan Thiết trở nên gần gũi hơn với du khách miền Bắc vốn trước nay yêu thích du lịch tại các vùng biển miền Trung. Cùng với đó, ngày 5.1 vừa qua, sân bay Long Thành chỉ cách Bình Thuận hơn 1 giờ di chuyển cũng đã khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2025. Hệ thống sân bay sẽ giúp nâng cao tỷ lệ khách quốc tế cao cấp, đón các đoàn khách charter trong tương lai, thúc đẩy kế hoạch đưa Bình Thuận thành điểm đến du lịch số 1 khu vực và thế giới.
Bứt phá du lịch
Hỗ trợ đắc lực cho hàng không, hệ thống hạ tầng đường bộ cũng đang được Bình Thuận thúc đẩy đầu tư bài bản. Theo báo cáo từ cơ quan chức năng, hiện nay tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang được các nhà thầu thi công tích cực. Đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu đang tập trung thi công cào bốc lớp đất mặt để chuẩn bị làm nền và thi công các cầu trên tuyến.
Trong thời gian vừa qua, với tiềm năng du lịch sẵn có cùng với hệ thống hạ tầng ngày càng đồng bộ hoàn chỉnh, Bình Thuận đang trở thành địa phương thu hút nhiều sự quan tâm khi có cơ hội bứt phá hơn để hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu du lịch đã đặt ra. Hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh cũng khuyến khích nhà đầu tư chiến lược (như Novaland, Rạng Đông), các đơn vị vận hành quốc tế (Radisson, Movenpick, Novotel, Centara Hotel…) mạnh dạn góp mặt về Bình Thuận.
Tỉnh cũng đã và đang thu hút nhiều Dự án bất động sản du lịch quy mô lớn với đầy đủ các tiện ích du lịch nghỉ dưỡng giải trí sức khỏe đẳng cấp như NovaWorld Phan Thiet (Tiến Thành, Phan Thiết), NovaHills Mui Ne Resort & Villas (Mũi Né, Phan Thiết)…
Những năm qua, tốc độ tăng trưởng 2 chỉ tiêu cơ bản của ngành du lịch tỉnh Bình Thuận là thu hút khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch luôn duy trì ở mức cao. Lượng khách du lịch tăng ổn định, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 10% đến 12%/năm. Doanh thu du lịch tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2015 - 2020 tăng 18%/năm. Đây thực sự là động lực mới để du lịch Bình Thuận vươn lên xứng tầm khu du lịch quốc gia với mục tiêu đón 9 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế), đạt tổng doanh thu 24.000 tỉ đồng vào năm 2025.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận khẳng định khát vọng đến năm 2030, địa phương này sẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nơi đây sẽ là một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng đáng mơ ước cho các mục đích du lịch biển, giải trí, du lịch thám hiểm, thể thao, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch hội nghị (MICE). Trong đó, Phan Thiết sẽ là hấp lực mạnh nhất.
Đại diện một nhà đầu tư lớn tại Phan Thiết nhận định: "Với hơn 70% số cơ sở lưu trú, hơn 80% công suất buồng phòng của ngành du lịch Bình Thuận đều tập trung tại Phan Thiết cùng với các dịch vụ du lịch đang phát triển tại đây, Phan Thiết đang là một thành phố du lịch sôi động và hiện đại. Các nhà đầu tư sẽ tăng tốc để đón đầu cơ hội này, bởi du lịch tăng trưởng sẽ thúc đẩy thương mại - dịch vụ tăng theo".
Bình luận (0)