|
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Phạm Đức Long (ảnh), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn bưu chính viễn thông VN (VNPT) - một trong những doanh nghiệp (DN) đã để lại nhiều dấu ấn chung, góp phần trong nỗ lực chống dịch thành công của đất nước cũng như vai trò tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
2020 là một năm rất đặc biệt khi VN đã vượt qua khó khăn của dịch Covid-19, giữ được mục tiêu tăng trưởng. Trong bối cảnh chung đó, VNPT cũng đã góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về quá trình này?
Trong bối cảnh Covid-19, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, VN đã làm được rất nhiều điều ấn tượng. Bản thân VNPT thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đã hỗ trợ cho ngành giáo dục, y tế. Với dạy học online trong thời điểm dịch, trong vòng 1 tháng, VNPT đã cung cấp miễn phí cho hơn 20.000 trường, toàn bộ 63 tỉnh thành, hơn 170 huyện. Giải pháp VNPT E-Learning giúp hàng triệu giáo viên và học sinh “tạm dừng đến trường, không dừng học” và VNPT Meeting giúp các DN tiếp tục vận hành sản xuất kinh doanh...
Với ngành y tế, VNPT nằm trong Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng tôi đã tham gia xây dựng app NCOVI khai báo y tế và giám sát, truy xuất thông tin của người bệnh và nhiễm, hỗ trợ hiệu quả cho công cuộc phòng chống dịch của đất nước. Đây là thành quả không chỉ của VNPT mà còn các nhà mạng khác như Viettel, MobiFone.
Tháng 6.2020, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV lần đầu tiên được triển khai bằng hình thức trực tuyến. Với vai trò là đơn vị triển khai, việc tổ chức thành công phiên họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội là tiền đề quan trọng để VNPT tiếp tục đồng hành với Quốc hội VN trong triển khai quốc hội điện tử, đồng thời một lần nữa khẳng định uy tín và năng lực, kinh nghiệm của VNPT trong các dự án trọng điểm quốc gia.
Top 2 thương hiệu giá trị nhất VN
Năm 2020, tổng doanh thu toàn VNPT đạt 162.700 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 7.100 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 5.100 tỉ đồng bằng 102,2% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước đạt 5.200 tỉ đồng, bằng 102% kế hoạch. Theo công bố của Brand Finance tháng 12.2020, với giá trị 2,4 tỉ USD, VNPT giữ vị trí top 2 thương hiệu giá trị nhất VN.
|
Tiên phong, dẫn đầu chuyển đổi số
Nghị quyết 52/NQ-TƯ của Bộ Chính trị và Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đều nhấn mạnh tới CĐS. Là một tập đoàn nhà nước, VNPT đã thể hiện vai trò dẫn dắt CĐS quốc gia như thế nào, thưa ông?
Có thể thấy, CĐS chính là con đường để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Là một tập đoàn công nghệ, VNPT nhận lấy sứ mệnh chủ lực, dẫn dắt triển khai chương trình CĐS quốc gia, thông qua việc chủ động tham gia và trở thành đơn vị nòng cốt dẫn dắt các chương trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số cũng như chuyển đổi xã hội số.
Trong các ứng dụng nền tảng CĐS của quốc gia và cơ sở dữ liệu, VNPT đã tham gia triển khai các dự án cốt lõi như Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Với các địa phương, chúng tôi đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho 36 khách hàng tỉnh, TP...
Trong phát triển kinh tế số, VNPT đã tham gia thúc đẩy nhanh CĐS DN từ các tập đoàn kinh tế nhà nước tới DN vừa và nhỏ, đồng thời tham gia sâu vào CĐS các ngành kinh tế trọng tâm như giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch thông minh...
|
Nhân lực là thế mạnh
Cá nhân ông đánh giá đâu là lợi thế cạnh tranh của VNPT để định vị được vai trò dẫn dắt CĐS quốc gia?
Thứ nhất, lợi thế cạnh tranh của VNPT là nói được làm được. Như Cổng dịch vụ công quốc gia, khi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giao, VNPT đã hoàn thành trong 6 tháng.
Thứ hai, VNPT là tập đoàn nhà nước thuộc 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. CĐS thành công cho 19 đơn vị anh em không chỉ có tác động tích cực, lan tỏa mà từ 19 đơn vị đầu tàu này sẽ kéo theo hàng chục ngàn DN CĐS đi theo.
Thứ ba là về nguồn nhân lực. VNPT có một hệ thống đội ngũ nhân sự tỏa đến tận cấp xã, đến tận gần 27 triệu hộ gia đình, hơn 600.000 DN. Đây là tài sản lớn nhất mà VNPT tự tin để cạnh tranh với các nhà cung cấp khác. Nguồn nhân lực của VNPT thống nhất ý chí, thống nhất mục tiêu, tinh thần chiến đấu vì màu cờ sắc áo...
Thứ tư là lợi thế hạ tầng so với các đơn vị khác.
VNPT đưa ra mục tiêu gì trong năm 2021?
Để thực hiện sứ mệnh chủ lực, dẫn dắt CĐS quốc gia, năm 2021 chúng tôi sẽ phát triển hạ tầng và dịch vụ số bao gồm hạ tầng mạng cáp quang tới từng hộ gia đình; thử nghiệm và sẵn sàng triển khai hạ tầng di động 5G, hạ tầng điện toán đám mây.
Tập trung xây dựng tài nguyên số bao gồm hệ sinh thái dữ liệu và nền tảng số cung cấp ở quy mô quốc gia giúp hình thành chính phủ số và thúc đẩy nhanh quá trình CĐS.
Triển khai công dân số thông qua việc cung cấp những ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân để tiến đến xây dựng xã hội số. Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, DN và phục vụ điều hành của Chính phủ. Thúc đẩy tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt hướng tới xã hội số thông qua các sản phẩm dịch vụ của VNPT...
Trước đây VNPT quan tâm nhiều tới thị trường viễn thông, nhưng mục tiêu 5 năm tới là CĐS, tới 2025 doanh thu từ CĐS chiếm 30% tổng doanh thu.
Bình luận (0)