Có nên đóng cửa bớt khu công nghiệp?

24/07/2020 05:37 GMT+7

Đề xuất thu hẹp hay đóng cửa khu công nghiệp vì không được lấp đầy trong giai đoạn đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời hậu Covid-19 đang gây nhiều ý kiến trái chiều.

Chưa nên thu hẹp đất KCN lúc này

Tính đến cuối tháng 6 năm nay, theo Bộ KH-ĐT, cả nước có 336 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, trong đó có 261 KCN đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt khoảng 76%. Xuất phát từ tình trạng lãng phí đất đai KCN tại nhiều nơi, mới đây Bộ TN-MT đã đề xuất Thủ tướng cắt giảm hơn 18.200 ha đất KCN tại 15 địa phương và điều chỉnh tăng diện tích quy hoạch đất KCN cho 9 địa phương. Mục đích để tạo điều kiện cho các địa phương chủ động đón làn sóng chuyển dịch đầu tư sau đại dịch Covid-19.

Dòng vốn ngoại vẫn đang tìm “tổ” mới tại nhiều nước ở châu Á, không riêng VN. Các nước Indonesia, Ấn Độ… làm sẵn các khu công nghiệp lớn, chuẩn bị sẵn nhân công để đón nhà đầu tư chứ không phải thu hẹp. Chúng ta chưa biết trước nhu cầu của nhà đầu tư thế nào, nên trong giai đoạn này không nên điều chỉnh hay thay đổi, đóng cửa các KCN chưa được lấp đầy nhưng đã hoàn thiện cơ bản 
hạ tầng... 

GS Nguyễn Mại

Trong báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Chính phủ cho phép xóa quy hoạch 3 dự án KCN, gồm: Bàu Đưng (200 ha), Phước Hiệp (175 ha) đều tại H.Củ Chi và Xuân Thới Thượng (300 ha) ở H.Hóc Môn. Theo UBND TP.HCM, đây là những dự án quy hoạch treo do vị trí địa lý không thuận lợi, không kêu gọi được đầu tư hạ tầng, nên ảnh hưởng không ít đến đời sống sinh hoạt của người dân. Bộ KH-ĐT đã đồng ý với đề xuất của TP.HCM.
Đề xuất đóng cửa bớt các KCN trong bối cảnh nhiều nước lại dọn sẵn hạ tầng để tranh thủ làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc đã khiến nhiều người lo ngại. GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài cho rằng: “Hơn lúc nào hết, Việt Nam phải có những “chiếc tổ” thật lớn để đón “đại bàng” về làm tổ, cụ thể ở đây là các KCN có đầy đủ hạ tầng để nhà đầu tư nếu đến, có thể đưa dây chuyền vào sản xuất ngay”. Lấy ví dụ trong danh sách Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) mới đây có khoảng 15 DN dự kiến chuyển hoạt động đến Việt Nam, trong đó có 9 DN quy mô nhỏ và vừa, 6 DN lớn, GS Nguyễn Mại cho hay làn sóng nhà đầu tư Nhật tại Trung Quốc tiếp tục di dời khi chính phủ Nhật Bản đã có chính sách hỗ trợ các DN rời Trung Quốc với kinh phí lên đến 653 triệu USD. Không chỉ có nhà đầu tư Nhật, các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc… cũng đã nhăm nhe rời Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mại cũng giải thích rõ hơn rằng chủ trương của Thủ tướng là các địa phương có KCN chưa được lấp đầy thì không được lập mới, KCN không thu hút được nhà đầu tư thì nên chuyển sang hoạt động khác, trả lại đất cho nông dân làm nông nghiệp. Nếu không có nhà đầu tư vào, tốt nhất nên dùng đất đó tính giải pháp khác, để không vậy rất lãng phí. Còn cắt giảm KCN đã được quy hoạch rồi thì không nên vì có nhiều dự án đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa mặt bằng, hoặc đã nằm trong kế hoạch thu hút đầu tư của các địa phương giai đoạn sau… Nếu nói vì không được lấp đầy mà đóng cửa KCN thì không được.
Có nên đóng cửa bớt khu công nghiệp?

Nguồn: Bộ KH-ĐT - Đồ họa: Phúc Hải

Chưa thấy “bóng dáng” đại bàng

Quan sát làn sóng FDI vào Việt Nam trong thời gian chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hậu Covid-19, GS Nguyễn Mại cho rằng, chưa thấy bóng dáng các tập đoàn lớn đến từ Mỹ, châu Âu. GS Nguyễn Mại nói: “Chiến lược thu hút FDI của chúng ta phải có tập đoàn lớn toàn cầu. Hậu Covid-19 sẽ có nhiều thay đổi, quan trọng là mình phải biết được tập đoàn nào đang tìm “tổ” mới ngoài Trung Quốc. Hiện các DN nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian gần đây mới là DN vừa và nhỏ, họ đi tìm hiểu môi trường đầu tư từng đoàn, đến các địa phương, rồi về quyết định chọn địa phương nào thấy phù hợp. Điều này cũng nhờ khả năng quảng bá tốt của các địa phương. Còn chính sách của cấp Chính phủ phải xúc tiến đầu tư có trọng điểm, có địa chỉ, phải gặp gỡ được các tập đoàn này, có những cuộc họp chung, cung cấp thông tin thường xuyên cho họ, để khi có đầy đủ thông tin, họ sẽ đến”.
Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC, phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, lấy ví dụ với trường hợp 15 DN từ Nhật vào Việt Nam trong báo cáo của JETRO. Theo ông Trần, các DN này vào Việt Nam chỉ là bước chuyển tiếp trong sản xuất kinh doanh, dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, khác nhiều đầu tư khởi nghiệp mới hoàn toàn tại đây. Hoạt động kinh doanh của DN vẫn tiếp tục, không bị đứt quãng. Trong khi đó, ngoài việc được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ, tại Việt Nam các DN này cũng nhận được ưu đãi nhiều về thuế ít nhất trong 5 năm đầu và tiền thuê đất, thuê công nhân. Thế nên, theo chuyên gia này, để công bằng, một chính sách không mới là buộc các DN FDI phải hỗ trợ đào tạo và phát triển nhân sự, chuyển giao công nghệ… cần phải được lưu ý ngay từ đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.