Có thể tạm ngừng khoan các giếng dầu có sản lượng thấp

22/04/2020 14:53 GMT+7

Giá dầu thế giới lao dốc , Bộ Công thương chỉ đạo rà soát tiến đến có thể ngừng khoan các giếng dầu có sản lượng thấp.

Sáng 22.4, Vụ dầu khí và than (Bộ Công thương) có một số chỉ đạo xung quanh việc đối phó với giá dầu thế giới giảm xuống mức âm trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đang khai thác và xuất khẩu dầu thô.
Để đối phó với giá dầu giảm sâu, Bộ Công thương đã có các văn bản chỉ đạo ngành dầu khí, cụ thể là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) triển khai các giải pháp đối phó với tác động kép của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu. Cụ thể, rà soát tổng thể kế hoạch các lô dầu khí, các giếng khoan khai thác, xác định mức giá dầu khả thi để có các quyết sách tiếp tục thực hiện hay ngừng các giếng có sản lượng khai thác thấp trên cơ sở hiệu quả, bảo vệ tài nguyên, đảm bảo lợi ích nhà nước, lợi ích nhà đầu tư. Thứ hai, cân đối sản lượng các mỏ có giá thành tốt để bù đắp cho phần thiếu hụt sản lượng ở những mỏ phải đóng hoặc giảm sản lượng.
Bộ Công thương chỉ đạo, tổ chức rà soát lại tất cả các chi phí dự kiến của năm 2020. Cắt giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách. Thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, thường xuyên tổ chức tự kiểm tra giám sát để chấn chỉnh kịp thời các chi tiêu bất hợp lý. Thực hiện nghiêm túc việc mua sắm vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu và sử dụng các dịch vụ đúng quy định và đảm bảo chất lượng. Các đơn vị phối hợp sử dụng chung phụ tùng, vật tư cùng chủng loại; rà soát điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư theo hướng tiết kiệm. Đặc biệt, xây dựng ngay các giải pháp tài chính, đầu tư tổng thể trong toàn ngành dầu khí (bao gồm cả kế hoạch huy động nguồn vốn) để ứng phó kịp thời với những biến động xấu nhất của giá dầu trong năm 2020. Xây dựng các hạng mục đầu tư theo thứ tự ưu tiên phụ thuộc vào sự biến động của giá dầu. Tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, không đầu tư các dự án chưa thật sự cấp bách.
Liên quan đến nhập khẩu kinh doanh xăng dầu trong nước, theo quan điểm của Vụ Dầu khí và than, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu. Thương nhân sản xuất xăng dầu có chính sách bán hàng linh hoạt, giảm giá thành
Đánh giá về giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex ngày 20.4 chốt ở mức dưới 0 USD/thùng, Bộ Công thương cho rằng, đây là mức giá thấp chưa từng có trong lịch sử do ngày 21.4 là ngày chốt hợp đồng kỳ hạn giao tháng 5. “Tại thời điểm này, người mua hợp đồng phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu hay không. Nếu nhận thì họ phải đóng hợp đồng và sẽ nhận lô dầu vật chất. Tuy nhiên, với tình trạng nhu cầu dầu thô, xăng dầu tại Mỹ đóng băng do dịch Covid-19 hiện nay, trong khi dầu thô vẫn được sản xuất, các kho chứa dầu, kể cả tàu biển và toa tàu hỏa đều đã chất đầy dầu thô thì việc nhận dầu vào thời điểm này và thuê kho để chứa là không thể hoặc với chi phí rất cao. Do vậy, một số người sở hữu hợp đồng dầu thô WTI sau khi cân nhắc tính toán lợi ích của mình đã quyết định “bán tháo” với mọi giá tại 2 giây cuối cùng của phiên giao dịch và giá khớp tại 2 giây cuối cùng này được coi là giá chốt phiên. Thực chất giá âm (dưới 0 USD/thùng) là mức giá được giao dịch giữa các thương nhân trên sàn giao dịch chứ không phải là giá giao dịch giữa nhà sản xuất dầu thô và người sử dụng cuối cùng là nhà máy lọc dầu”, ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than, giải thích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.