Đó là thực trạng được nêu ra tại hội thảo quốc tế “Định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên và chiếu sáng các quận nội thành giai đoạn 2019 - 2025” do UBND TP.HCM tổ chức sáng qua (14.8).
Mỗi người dân chỉ có 0,5 m2 cây xanh
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận TP có nền kinh tế khá phát triển, nhưng quy hoạch cây xanh còn lạc hậu. Năm 1975, TP có 3,6 triệu dân, đến nay đã tăng lên 10 triệu dân, nhưng diện tích công viên cây xanh tăng không đáng kể. Theo quy hoạch, diện tích cây xanh trên bình quân đầu người khoảng 6 - 7 m2/người, nhưng hiện chỉ mới đạt 0,5 m2/người; tổng diện tích cây xanh so với nhu cầu chỉ đạt 8%. Theo quy hoạch, các khu đô thị mới đều có phần diện tích cho cây xanh tương ứng với chỉ tiêu 7 m2/người, nhưng thực tế đạt 0,5 m2/người.
Báo cáo về hiện trạng quy hoạch xây dựng công viên của Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết tính đến cuối năm 2018, TP có 491,16 ha đất công viên (369 công viên bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu nhà ở), diện tích đất công viên đạt bình quân 0,49 m2/người, chưa bằng 1/15 theo TCVN (12 - 15 m2/người) và chưa bằng 1/7 theo quy hoạch của Thủ tướng (Quyết định 24 ban hành ngày 6.1.2010).
Đáng chú ý, đối với việc xây dựng mới công viên công cộng, trong 7 năm chỉ tăng thêm được 10,78 ha. Như vậy, tốc độ đầu tư công viên cây xanh của TP.HCM hiện nay mới chỉ đạt 1,54 ha/năm. Tính ra, để phủ xanh khoảng gần 10.000 ha đất công viên còn lại trên địa bàn TP, TP.HCM phải mất gần 6.500 năm nữa.
TP sẽ nhanh chóng lập quy hoạch cụ thể và chủ động dành đất cho công viên, xây xanh. TP cũng xác định phải huy động mọi nguồn lực từ xã hội. Nguồn lực nhà nước chỉ là vốn mồi hoặc để xây dựng các loại công viên đặc thù.
Ông Võ Văn Hoan
|
Trong khi đó, theo ông Chuah Hock Seong, thành viên Ban Giám đốc National Park (Singapore), thì tại đảo quốc sư tử, tỷ lệ công viên công cộng đã đạt tới 0,79 ha/1.000 người, tức mỗi người dân có tới 8 m2 cây xanh. Để đạt được con số này, Singapore mất 50 năm bằng cách triển khai chiến lược khuyến khích mỗi hộ dân tự làm vườn, làm mảng xanh ngay trong nhà. Mỗi dự án nhà ở luôn được chú trọng và chỉ được cấp phép khi đáp ứng đủ yêu cầu về mảng xanh.
Không chỉ thiếu trầm trọng, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đánh giá công tác quản lý công viên của TP.HCM hiện vẫn thực hiện theo kiểu cũ, cho bung ra khai thác đủ các hoạt động, nhưng không bám chặt vào mục tiêu công cộng, chỉ hướng tới lợi ích riêng, cục bộ dẫn đến phát triển công viên không những chậm mà còn bị nhếch nhác, chật hẹp thêm.
“Nghe giới thiệu từ các diễn giả quốc tế có thể thấy, công viên có nhiều chức năng, nhưng tất cả đều phải phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Phát triển công viên không chỉ dừng lại ở phát triển tầng trên mà còn phải phát triển tầng dưới”, ông Hoan nói và nhận xét trong việc phát triển mảng xanh ở các khu đô thị, nhiều doanh nghiệp ít quan tâm đến chỉ tiêu công viên cây xanh, chỉ xây cho có.
Thiếu quy hoạch, thiếu tiền
Tại hội thảo, hầu hết đại biểu đều nhận định khó khăn lớn nhất của TP.HCM hiện nay trong việc phát triển công viên, cây xanh, chiếu sáng không phải vấn đề kỹ thuật mà là nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án.
Chia sẻ kinh nghiệm, đô thị gia Frédéric Auclair (Pháp) cho biết có thể tìm kiếm hỗ trợ từ khu vực kinh tế tư nhân, một phần từ ngân sách hoặc hợp tác công tư. Ở Paris, nhiều nhà đầu tư tư nhân mua lại đất công viên của TP để quản lý, trong khi hệ thống công viên của Singapore lại chủ yếu do nhà nước quản lý.
“Cần thống nhất tư duy mảng xanh là tài sản của TP, cần phải phát triển song song với quỹ đất và đầu tư cho cây xanh, công viên nên là ưu tiên số 1 trong các khoản đầu tư”, chuyên gia Frédéric Auclair nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự loay hoay trong vấn đề thu hút vốn đầu tư, phát triển công viên, cây xanh, chiếu sáng của TP.HCM là do chưa có quy hoạch tổng thể nên TP không thể đề ra kế hoạch trung hạn, kế hoạch dài hạn, không có dự án để tìm ra phương án gọi vốn, dẫn đến làm manh mún, không đồng bộ, chưa đạt hiệu quả.
Đơn cử, cây xanh và chiếu sáng là 2 ngành dịch vụ công ích có tính đặc thù nhưng chưa rõ 2 chữ “đặc thù”, hiện đang hoàn toàn là dịch vụ công ích, phụ thuộc vào vốn nhà nước, có rất nhiều ràng buộc, từ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến các quy trình, định mức, đơn giá. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn nhà nước thì việc thanh quyết toán cũng phụ thuộc, không có cơ sở, cơ chế khuyến khích cho các đơn vị tham gia quản lý, vận hành các công trình.
“Phải bắt đầu từ quy hoạch, sau đó có kế hoạch cụ thể, đề án cụ thể, công trình cụ thể, từ đó mới triển khai kêu gọi đầu tư để phát triển”, ông Tiến đề xuất.
Bình luận (0)