Cuộc họp nhằm triển khai một số nhiệm vụ cấp bách nhằm sớm khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) diễn ra hôm qua (3.8), tại Hà Nội, do Bộ NN-PTNT tổ chức.
Kiểm chặt từ cảng cá để biết nơi đi, nơi đến
Khẳng định khai thác hải sản đang chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của toàn tỉnh Kiên Giang, khi có đến 10.798 phương tiện công suất lớn, ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết tỉnh này quyết liệt xử lý nghiêm các vi phạm về tàu và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài. Trong 7 tháng qua, Kiên Giang đã xử lý 16 phương tiện, 8 đối tượng có hành vi môi giới khai thác tại vùng biển nước ngoài trái phép. Cũng trong 7 tháng đầu năm nay, Kiên Giang có 14 tàu cá với 129 ngư dân vi phạm, giảm 24 tàu và 230 ngư dân so với cùng thời điểm năm ngoái.
tin liên quan
EU 'rút thẻ vàng': Xuất khẩu thủy sản thiệt hại nghiêm trọngBí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lưu Viết Trữ đề xuất 3 việc cần quản lý để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, gồm quản lý tàu, ngư dân và bến cảng. Thực tế, tàu lớn, tàu nhỏ giờ rất phức tạp, ra biển thì không biết hoạt động ở đâu. Muốn quản lý được, Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu kỹ hơn để ban hành quy chuẩn quản lý thông qua vệ tinh và thiết bị hành trình. Nhưng trước hết, các địa phương phải giám sát chặt chẽ việc ra vào bến, kiểm soát chặt chẽ ngay từ cảng để biết được tàu đến đâu, đi đâu.
Dẫn chứng ở Quảng Ninh hiện có 610 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó 40% được lắp thiết bị giám sát hành trình, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng đây là cơ sở để quản lý và có căn cứ để xử lý dễ hơn. Ở góc nhìn khác, ông Hậu bày tỏ, phần lớn ngư dân đều có ý thức đánh bắt đúng ngư trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng hiện tại nguồn lợi này đang cạn kiệt. “Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách đầu tư về nuôi biển, khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ trong mùa cá đẻ nếu không hỗ trợ thì rất khó quản lý nguồn lợi thủy sản”, ông Hậu kiến nghị.
Gỡ “thẻ vàng” là cấp thiết
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công thương, cho rằng ngành công thương đang rất nỗ lực thông tin, giải thích với Ủy ban Châu Âu (EC) về nỗ lực và khó khăn của VN trong thực thi IUU, để sớm gỡ “thẻ vàng” cho hàng thủy sản.
Ông Khánh phân tích, IUU có ba cấu phần, cụ thể là chống đánh bắt bất hợp pháp, đánh bắt không đúng chỗ, không đúng mùa; đánh bắt không báo cáo và không được quản lý. Trong đó, giải pháp phải chú trọng nhất hiện nay là chống đánh bắt bất hợp pháp. Ông Khánh kêu gọi các tỉnh phải tham gia sâu hơn, tập trung các chế tài xử lý các vi phạm khi lực lượng kiểm ngư của Bộ NN-PTNT rất khó đi hết 28 tỉnh, TP để xử lý hộ các tỉnh.
Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong luật Thủy sản quy định xử phạt ngư dân trong vi phạm khai thác, đánh bắt đã tăng gấp 10 lần, từ 10 triệu lên 1 tỉ đồng. Trong thời gian tới, Bộ sẽ bố trí Thứ trưởng Vũ Văn Tám và đại diện Tổng cục Thủy sản vào Quảng Ngãi để bàn cụ thể về các giải pháp và kỳ vọng đây sẽ là địa phương đi đầu trong thực hiện tất cả các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định khai thác hải sản không chỉ nâng cao chất lượng đời sống ngư dân ven biển mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Ghi nhận các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực, giải pháp ngăn chặn khai thác hải sản trái phép, cấm đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, nhưng Phó thủ tướng cho rằng, thực tế vi phạm vẫn diễn ra. “Nếu như EC nâng cấp lên “thẻ đỏ”, chắc chắn hải sản không vào được EU nữa. Khu vực này chiếm trên 10% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản VN, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, việc làm của ngư dân và tăng trưởng, phát triển kinh tế. Việc nhanh chóng có biện pháp để EC gỡ bỏ “thẻ vàng” là việc cấp thiết. Chính phủ, bộ, ngành và địa phương phải vào cuộc đồng bộ, cùng sự hưởng ứng của người dân”, Phó thủ tướng nói.
Thứ trưởng NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, sau hơn 8 tháng Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp có cảnh báo “thẻ vàng”, VN đạt được những kết quả ban đầu quan trọng trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Tuy nhiên, thống kê của Bộ NN-PTNT từ ngày 23.10.2017 đến nay, ở các địa phương vẫn xảy ra 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Ngoài ra, còn có 48 vụ/77 tàu/589 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tại khu vực chồng lấn, tranh chấp, vùng nước lịch sử, chưa rõ tọa độ. Theo ông Tám, hiện có nhiều vùng biển giáp ranh giữa VN và các nước Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines... chưa được phân định nên vẫn còn tình trạng lực lượng chức năng các nước bắt giữ tàu cá và ngư dân VN hoạt động trong các vùng biển giáp ranh này. |
Bình luận (0)