“Cuộc chiến áp thuế” vẫn chưa kết thúc

18/01/2021 06:18 GMT+7

Việt Nam không bị Mỹ áp thuế sau điều tra về chính sách tiền tệ và việc nhập khẩu, sử dụng gỗ của Việt Nam; tuy nhiên nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị áp thuế ở nhiều nơi vẫn chưa kết thúc.

Ngày 16.1 vừa qua, Bộ Công thương cho biết Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) trong báo cáo về việc điều tra đối với các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ, đã không đề cập hoặc đề xuất chính phủ Mỹ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngay sau khi có báo cáo của USTR, đại diện Phòng Thương mại Mỹ đã hoan nghênh và tái khẳng định hành động trừng phạt thương mại là “phương tiện không thích hợp” để giải quyết các vấn đề về định giá tiền tệ.

Mặt hàng có thế mạnh vào tầm ngắm

Theo các chuyên gia thương mại, hàng hóa Việt Nam “thoát” bị áp thuế tại thị trường Mỹ không có nghĩa là hết gặp các nguy cơ bị áp thuế trên thị trường toàn cầu. Lịch sử cho thấy hàng hóa Việt Nam luôn đối diện các vụ khởi kiện điều tra và nhiều mặt hàng của Việt Nam đã bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), áp thuế chống bán phá giá (CBPG)..., đặc biệt sau khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Chính phủ đưa ra các giải pháp, các gói hỗ trợ cho DN bị tác động tiêu cực vì Covid-19 cũng cần xem xét để tránh vi phạm các nguyên tắc đã thỏa thuận trong các hiệp định thương mại đa phương và song phương.

TS Võ Trí Thành

Thậm chí, ngay trong năm thế giới đối diện đại dịch Covid-19, các vụ kiện liên quan PVTM đối với hàng hóa từ Việt Nam vẫn “không được buông tha”. Chẳng hạn, ngày 30.12.2020, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận điều tra sơ bộ trong vụ việc điều tra CBPG đối với lốp ô tô nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Theo đó, phần lớn các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lốp ô tô của Việt Nam sang Mỹ được xác định không bán phá giá, song một số vẫn bị áp mức thuế là 22,3%. Trước đó 2 ngày, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cũng ra thông báo kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra CBPG đối với một số sản phẩm nhựa polyethylene terephthalate có xuất xứ từ Việt Nam và một số nước. MITI áp dụng thuế CBPG tạm thời với hàng nhựa Việt Nam và các nước với lý do “ngăn chặn sự thiệt hại” của ngành sản xuất trong nước trong vòng 120 ngày với mức thuế cao nhất lên đến 57,75%. Hay ngay những ngày đầu năm mới 2021, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thông báo đã nhận được thông tin về việc Ủy ban Thuế quan quốc gia của Pakistan tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra CBPG đối với sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu hoặc có xuất xứ từ Việt Nam, Đài Loan, EU và Hàn Quốc.
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các biện pháp PVTM đang tác động tới khoảng 1.500 tỉ USD kim ngạch thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, đến hết tháng 9.2020, hàng hóa xuất khẩu của ta đã bị điều tra gần 200 vụ với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỉ USD. Đáng lưu ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại, nếu trong cả năm 2019 mới ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới thì chỉ 9 tháng năm 2020 đã ghi nhận số lượng vụ việc tăng gấp đôi với 32 vụ. Đa số hàng hóa bị điều tra PVTM là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất...

Cẩn trọng với thị trường EU

Theo chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, Đại học Kinh tế TP.HCM, càng kết giao rộng thì việc bị “soi” càng kỹ là điều hiển nhiên. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang đảo điên vì dịch bệnh, việc Việt Nam đã ngăn chặn được dịch là lợi thế lớn, giúp thúc đẩy các hợp đồng xuất khẩu hàng hóa trôi chảy hơn. Tuy nhiên, nhiều DN tại các thị trường khác sẽ thấy không yên tâm, hối thúc chính phủ của họ khởi xướng các vụ điều tra PVTM nhiều hơn. Ông Chinh nói: “Theo tôi, DN sản xuất xuất khẩu các mặt hàng dễ vào “sổ đen” bị kiện áp thuế, phải luôn trong tinh thần chuẩn bị mọi thông tin về nguồn gốc nguyên vật liệu, các số liệu liên quan nhà xưởng, đầu ra đầu vào phải minh bạch, khoa học và chi tiết nhất có thể. Bên cạnh đó, các ngành phải hỗ trợ DN thông tin hàng hóa Việt Nam thuộc ngành mình quản lý đang xuất sang các nước thế nào. Vấn đề lớn của nhiều DN làm hàng xuất khẩu đi châu Âu mà tôi tiếp xúc là họ nắm thông tin về sản phẩm hoặc các cảnh báo về PVTM tại các thị trường rất yếu. Nên nhớ, xuất siêu của Việt Nam hiện đứng đầu là tại Mỹ và thứ hai là thị trường EU. Tôi vẫn từng cảnh báo, với thị trường EU, sau EVFTA, các mặt hàng thế mạnh của ta sang thị trường này như thủy sản, sắt thép, sản phẩm công nghiệp đơn giản phải hết sức cẩn trọng với các nguy cơ PVTM”.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các nước càng có xu hướng gia tăng áp dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước. Do đó nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị khởi kiện điều tra, áp thuế CBPG... sẽ thường xuyên hơn. Để giảm thiểu tình trạng này, các DN cần phải minh bạch về sổ sách trong quá trình hoạt động, sẵn sàng tích cực phối hợp với các cơ quan điều tra liên quan. Bên cạnh đó, cả DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện phòng chống quyết liệt việc lẩn tránh xuất xứ Việt Nam từ hàng hóa nước ngoài mà việc này đã được nhắc đến trong thời gian gần đây. DN tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ và không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.