Cứu doanh nghiệp là cứu được ngân hàng, người lao động

09/05/2020 07:03 GMT+7

Trước giờ diễn ra Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2020 sáng nay (9.5), nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đề xuất các giải pháp cụ thể cho một chương trình hành động mới.

Sự kiện trên được xem là “Hội nghị Diên Hồng” nhằm khôi phục lại nền kinh tế sau dịch Covid-19 sẽ chính thức diễn ra.

Doanh Nghiệp, hộ kinh doanh cá thể là ưu tiên hàng đầu

Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như kinh tế VN nói riêng. Tại VN, đối tượng đang chịu tác động trực tiếp từ hệ lụy của dịch bệnh chính là các doanh nghiệp (DN). Chỉ trong 3 tháng đầu năm, cả nước có tới gần 35.000 DN rút lui khỏi thị trường. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên sau hàng thập niên, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số đăng ký thành lập mới. Từ vận tải, du lịch cho tới sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tiểu thương, hộ gia đình... đang bị khó khăn bủa vây. Trong đó, rất nhiều DN đối mặt với bờ vực phá sản.

Đối với những chi phí DN phải đóng thay, đóng cùng người lao động thì nhà nước đã có chính sách giãn, giảm, hoãn, miễn... Tuy nhiên, cần lưu ý mục tiêu quan trọng nhất là gắn chính sách hỗ trợ với duy trì việc làm. Đơn cử, nhà trước sẽ hỗ trợ DN để trả tiền lương cho người lao động nếu DN không sa thải lao động. Làm như thế vừa giữ được lao động, giữ lượng thu nhập nhất định cho họ và nhờ đó quay ngược trở lại kích cầu. Nếu chỉ trợ cấp cho DN, nhưng DN lại sa thải lao động thì DN được hưởng chỉ dùng để trang trải các chi phí, người lao động mất việc sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn cho xã hội.  

 TS Vũ Thành Tự Anh

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, đánh giá 3 tháng vừa qua là giai đoạn cực kỳ khó khăn của kinh tế VN. GDP quý 1 chỉ tăng trưởng 3,82%. Sang tới tháng 4, các hoạt động cơ bản như du lịch, công nghiệp chế tạo chế biến, vận tải bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.
Sau tháng 1 và tháng 2 vẫn còn ổn, bước ngoặt thật sự ảnh hưởng đến nền kinh tế VN bắt đầu từ tháng 3 và suy giảm đặc biệt nghiêm trọng từ tháng 4. Hiện nay, các đối tác lớn, thị trường xuất khẩu chính của VN như Mỹ, EU, Nhật Bản... đều trục trặc. Các nước như châu Âu, Mỹ bắt đầu phong tỏa từ tháng 3, EU đóng cửa biên giới 2 tháng.

Hỗ trợ người dân mua nhà, kích thích tiêu dùng

Hầu hết người dân tại các TP lớn đều mong muốn sở hữu nhà ở để xây dựng cuộc sống và gắn bó gần như cả cuộc đời của mình. Khi đã sở hữu nhà ở, người dân sẽ có nhu cầu cao hơn đối với việc mua sắm đồ đạc, vật dụng từ đơn giản đến có giá trị, việc này sẽ kích thích tiêu dùng rất lớn. Bên cạnh đó, quá trình thi công xây dựng tạo ra nhà ở cũng đem lại hàng triệu việc làm và tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu xây dựng, nội thất để hoàn thiện. Nói như vậy để thấy, giúp người dân mua nhà là một trong những khởi điểm, động lực quan trọng nhất để kích thích chuỗi cung cầu các sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện cho nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ hơn khi tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát. Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hỗ trợ, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính và điều chỉnh các quy định pháp luật còn bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai và kinh doanh bất động sản trong thời gian vừa qua nhằm rút ngắn, tối ưu hóa thời gian triển khai dự án nhà ở, qua đó giảm chi phí tài chính và chi phí quản lý phát sinh, giúp giảm giá thành sản phẩm nhà ở cho người dân.
Ông Nguyễn Đình Trung (Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh)
Như vậy, kinh tế của VN sẽ thực sự thấm đòn từ quý 2 và dự kiến kết quả kinh tế trong quý này sẽ còn suy giảm mạnh hơn so với quý 1. Trước tình hình này, nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng thì sẽ có một lượng rất lớn DN phải tạm nghỉ, đóng cửa, thậm chí phá sản.
“Nếu dịch bệnh diễn biến xấu, nền kinh tế phải “nín thở” trở lại do cách ly xã hội thì mặc dù mục tiêu bảo vệ sinh mạng cho người dân có thể đạt được, nhưng sẽ mất sinh kế. Vì thế, cần thiết dần mở lại các hoạt động kinh tế, hướng tới trạng thái bình thường mới”, ông nói và cho rằng để phục hồi nền kinh tế, bước đầu tiên là phải vực dậy khu vực DN và các hộ kinh doanh cá thể. VN hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, vốn chưa thực sự là đối tượng ưu tiên của các chính sách giải cứu, đồng thời rất khó tiếp cận, nhưng chính họ lại là lực lượng tạo ra rất nhiều công ăn việc làm và là bệ đỡ an sinh xã hội.
“DN là cầu nối giữa ngân hàng, người lao động và khu vực tiêu dùng. Đồng thời, DN tạo ra các hoạt động kinh tế và việc làm. Vì vậy, cứu được DN thì đồng thời một lúc cứu được ngân hàng và cứu được lao động. Hỗ trợ được 1 người lao động tức là hỗ trợ được cả gia đình họ gồm 3 - 4 người khác. Như vậy, hỗ trợ được 100.000 DN tức là hỗ trợ được 300.000 - 400.000 người khác. Cố gắng tiếp cận được 300.000 - 400.000 người rất khó trong khi chỉ cần hỗ trợ thông qua 1 kênh là DN. Tương tự, nếu hỗ trợ 5 triệu hộ kinh doanh cá thể tức là chúng ta đã hỗ trợ được khoảng 20 triệu người. Thực tế, đối tượng này phải là đối tượng nên được ưu tiên vực dậy vào lúc này”, TS Vũ Thành Tự Anh nêu quan điểm.

Cần hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Ảnh: Thái Nguyễn

Hoãn, giãn nợ quá ngắn, chưa kịp hồi phục

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhận định cho đến nay, các giải pháp mà Chính phủ đang áp dụng như hỗ trợ các gói tài chính, chính sách thuế, bảo hiểm, gỡ thủ tục hành chính, thủ tục hải quan để đẩy nhanh xuất khẩu, tài trợ cho những người mất việc làm, lao động phổ thông tạm thời mất việc làm... về cơ bản đã có tác dụng.

Phát hành phiếu giảm giá 1 triệu tặng du khách

Du lịch là ngành kinh tế đa ngành, có tác động lan tỏa rất lớn. Chỉ cần thúc đẩy được du lịch nội địa sớm hồi phục thì sẽ kích hoạt rất nhiều ngành kinh tế “phá băng”. Tuy nhiên sau dịch bệnh, bên cạnh tâm lý còn e ngại, những khó khăn về kinh tế chính là lực cản lớn nhất khiến người dân hạn chế đi du lịch, hoặc chọn những hình thức du lịch tiết kiệm. Do đó, vấn đề quan trọng nhất là kích cầu, làm thế nào để tạo ra chương trình hấp dẫn “đẩy” người dân đi du lịch. Việc liên kết giữa các DN để tạo ra chùm tour giá ưu đãi không thể giải quyết được vấn đề vì về cơ bản, các DN cũng không thể chịu lỗ bán dưới giá thành. Để kích cầu thật sự hiệu quả, Chính phủ cần hỗ trợ trực tiếp bằng cách phát hành cho tất cả khách đi du lịch trong nước 1 coupon (phiếu giảm giá) trị giá 1 triệu đồng. Bất cứ khách nào đến mua tour tại các công ty du lịch cũng sẽ được giảm giá 1 triệu đồng. Các công ty sau đó quyết toán lại với cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước có thể trực tiếp chi ra 1 triệu hoặc bỏ vào cơ quan thuế, ngân sách của cơ quan quản lý địa phương để quyết toán với DN. Điều này sẽ giúp kéo khách tới các công ty lữ hành, giúp các công ty dần hồi phục. Chưa kể, người dân đi du lịch, khởi động điểm đến địa phương, chi tiền ăn, chơi, mua sắm, người dân địa phương được hưởng lợi, bán được hàng. Người buôn bán sẽ phải đi lấy hàng từ đơn vị sản xuất, nhà hàng hoạt động thì hệ thống cung cấp nguyên vật liệu cũng trở mình... Các liên kết dịch vụ bị đứt gãy do không có khách sẽ mở cửa nhen nhóm trở lại. Chỉ 1 khách có thể kích hoạt 3 - 4 dây chuyền sản xuất, kinh doanh phía sau. Giả thiết, từ nay đến cuối năm, ngành du lịch VN sẽ huy động được 10 triệu lượt khách du lịch nội địa thì nhà nước sẽ mất khoảng 1.000 tỉ đồng. Đây chính là vốn mồi để kích hoạt, kéo tiêu dùng ở các điểm du lịch, khởi động lại nhiều ngành nghề kinh tế.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel)
Đình Sơn - Mai Phương - Hà Mai (thực hiện)
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của các DN hiện nay là họ cần vốn để tiếp tục “sống” và tái đầu tư, tái cơ cấu. Trong khi đó, gói hỗ trợ về tín dụng vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, việc không chuyển nhóm nợ, hỗ trợ DN khoanh nợ, giãn nợ là rất cần thiết nhưng cần xem xét kỹ hơn tính chất của từng ngành nghề, DN. Đơn cử, các DN lĩnh vực công nghiệp sản xuất nhỏ, thủ công có thể phục hồi ngay lập tức trong vòng vài ba tháng, du lịch nội địa cũng có thể phục hồi được trong vòng vài tháng, nhưng DN xuất khẩu hay DN lữ hành quốc tế có khi phải mất 6 tháng đến 1 năm để hoạt động trở lại bình thường. Như vậy, nếu chỉ cho phép giãn nợ, hoãn nợ trong thời gian 3 - 6 tháng thì không thể kịp cho DN hồi sức được.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng các điều kiện để cho vay mới vẫn áp dụng theo quy định hiện hành như yêu cầu DN phải có dòng tiền dương, vào thời điểm này không phù hợp.
“DN phải trả tiền điện, nước, trả chi phí duy trì bộ máy nhân sự, duy tu bảo dưỡng máy móc thiết bị để sẵn sàng trở lại sau dịch nhưng lại không có doanh thu thì làm gì có dòng tiền dương được. Cần có quy định đặc biệt, ngân hàng có thể căn cứ uy tín tín dụng của DN trong quá khứ và phương án kinh doanh triển khai sau dịch để quyết định cho vay, không cần tài sản thế chấp hay chứng minh dòng tiền. Đây là cho vay để DN cầm cự, sống được cho đến ngày phục hồi chứ không phải cho vay để đầu tư sản xuất mới”, ông Nghĩa đề xuất.

Chính sách tài khóa hiệu quả nhất

Đồng tình, TS Vũ Thành Tự Anh phân tích về cơ bản, để hồi phục kinh tế có 3 kênh tác động. Kênh hỗ trợ thứ nhất thông qua hệ thống ngân hàng. Về mặt lý thuyết, tác động qua kênh ngân hàng là nhanh nhất. Chỉ cần ngân hàng cho vay, đảo nợ, giãn nợ, hạ lãi suất... là sẽ tác động ngay tới DN.

Nhanh chóng đưa tiền hỗ trợ đến tay người dân

Dịch Covid-19 và đặc biệt thời gian bị giãn cách xã hội trong tháng 4 vừa qua khiến thị trường tiêu thụ bị đứt đoạn. Từ đó các DN sản xuất hàng hóa đều không bán được, trừ một số nhu yếu phẩm thiết yếu. Vì vậy trong thời gian tới, để khôi phục sản xuất nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung thì Chính phủ cần kích thích lại thị trường tiêu thụ càng nhanh càng tốt. Chẳng hạn như gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỉ đồng cho người lao động bị mất việc, người nghèo, hộ kinh doanh gặp khó khăn... phải nhanh chóng đưa tiền đến tay những đối tượng này. Bởi người dân, người nghèo có tiền đi mua bó rau, quả trứng cũng khiến cho người trồng rau, nuôi gà bán được hàng. Từ đó vòng quay lan tỏa dần đến nhiều ngành sản xuất dịch vụ khác. Hay chính sách cho DN vay tiền lãi suất 0% để trả lương người lao động cũng phải được thực hiện nhanh. Khi người công nhân có tiền thì họ sẽ đi chợ mua hàng hóa nhiều hơn so với thời điểm bị nợ lương, giảm lương. Ngoài việc mua thực phẩm thì họ có thể mua thêm những vật dụng thiết yếu khác như hàng nhựa và DN sản xuất đồ nhựa sẽ tiêu thụ được hàng hóa. Nhiều người bắt đầu chi tiêu sẽ đưa thị trường vận hành lại và từ đó thúc đẩy DN sản xuất, các dịch vụ đi kèm như vận tải... cũng sẽ bắt đầu khôi phục nhanh.
Ông Nguyễn Quốc Anh (Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM)
Tuy nhiên, thực tế thì đa số DN nhỏ và vừa chưa từng tiếp cận vay vốn ngân hàng. Đối với số lượng nhỏ DN còn lại, đã từng tiếp cận với ngân hàng từ trước thì hồ sơ, phương án kinh doanh, tài sản thế chấp, chứng minh dòng tiền... ngay trong điều kiện bình thường đã khó, trong mùa dịch bệnh còn khó khăn hơn. Tỷ lệ tiếp cận được thông qua hệ thống ngân hàng là không cao, thậm chí đối với một số DN là không thể. Do đó, trên thực tế, cách hỗ trợ qua ngân hàng chưa thực sự hiệu quả.
Kênh hỗ trợ thứ hai là tác động qua người lao động và người tiêu dùng như cách Chính phủ đã làm, hỗ trợ trực tiếp 1 triệu đồng/người. Phương án này hiệu quả do tạo ra nhu cầu vì người dân sẽ mua sắm, ăn uống, tạo ra lượng cầu nhất định trong nền kinh tế. Vấn đề là quy mô gói hỗ trợ không thể cao được, vì cả nước chỉ có 62.000 tỉ đồng, chiếm chưa tới 1% GDP của VN.
Kênh thứ ba, cũng là kênh hỗ trợ tác động có phổ rộng nhất, hiệu quả nhất là hỗ trợ DN và 5 triệu hộ kinh doanh cá thể thông qua chính sách tài khóa. Vấn đề của các DN là các nghĩa vụ tài chính của họ vẫn tồn tại nhưng doanh thu không có nên bị mất đối xứng dòng tiền. Nếu chính sách hỗ trợ giúp trì hoãn việc thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước như thuế, bảo hiểm xã hội... thì sẽ giúp giảm bớt chi phí và căng thẳng về dòng tiền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.