Đà Nẵng thu hút đầu tư: Biến rác thành... tài nguyên

12/07/2019 12:00 GMT+7

Đầu tháng 7, hai phường Hải Châu 1 và Hòa Cường Nam (Q.Hải Châu) thí điểm phân loại rác tại nguồn trong khu dân cư, đây là một trong những giải pháp xây dựng Đà Nẵng thành thành phố môi trường.

Từ cuối năm 2018, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã giao Sở TN-MT chủ trì, cùng Sở KH-ĐT triển khai đề án phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP. Theo kế hoạch, rác được tập trung phân loại tại nguồn theo 3 giai đoạn, gồm: phân loại thành 3 nhóm rác tái chế, rác nguy hại và rác còn lại, giảm tỷ lệ chôn lấp 10-15% (giai đoạn 2019-2020); phân làm 4 nhóm, giảm tỷ lệ chôn lấp 15-20% (giai đoạn 2021-2022); phân làm 5 nhóm, giảm tỷ lệ chôn lấp 30-40% nếu có nhà máy sản xuất phân hữu cơ hoặc 75-80% nếu có nhà máy đốt rác (giai đoạn 2023-2025). Đây được xem là “cuộc cách mạng” về thu gom, xử lý rác.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng, trong cuộc vận động quy mô lớn này, cần chấn chỉnh quyết liệt rất nhiều khâu. Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương trong thu gom, xử lý rác; tuy nhiên, từ phía người dân cũng phải có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường.

“Tài nguyên” rác

Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cho biết vài năm qua quận đã thí điểm một số mô hình phân loại rác tại nguồn và đạt hiệu quả khi các khu dân cư bán phế liệu thu trên 1,2 tỉ đồng dùng cho Quỹ vì người nghèo cũng như hoạt động xã hội địa phương. Tuy nhiên, Q.Hải Châu cũng đề xuất ngành môi trường có kế hoạch đồng bộ, tránh tình trạng người dân phân loại ban đầu nhưng “công đoạn” thu gom thì lại… đổ chung. Từ thực tế thí điểm ban đầu hiệu quả, TP Đà Nẵng đã tài trợ mua sắm thùng phân loại rác cho khu dân cư, đầu tư xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển, nghiên cứu phát triển các loại xe nhỏ chạy điện, cơ động vào tận kiệt hẻm để thu gom từ hộ dân...
Như Thanh Niên đã thông tin, vấn đề xử lý rác thải TP.Đà Nẵng đang trở nên cấp bách khi bãi rác Khánh Sơn chỉ còn 2 tháng nữa quá tải nếu không kịp mở rộng hộc chứa rác số 6 và 7. Trong khi đó, thủ tục xin Bộ Quốc phòng nhường đất cho 2 hộc chứa này còn đang triển khai. Dù có nhiều mô hình phân loại rác tại nguồn mà TP.Đà Nẵng có thể học tập, nhưng theo Sở TN-MT, đặc thù rác thải nước ta là “rác hỗn hợp” nên công tác xử lý gặp khó. Đơn cử với bãi rác Khánh Sơn, nếu được phân loại ngay tại nguồn sẽ giúp giảm tải trong khâu xử lý. Rác hỗn hợp phát sinh nước rỉ, mùi hôi chủ yếu do khâu thu gom ban đầu (gom chung), từ đó phát sinh mùi, hoặc cá biệt có chuyện nhiều người vứt rác bừa bãi.
Kể từ đầu tháng 7, P.Hải Châu 1 là địa phương tiên phong nhân rộng phân loại rác thải tại nguồn. Theo đó, địa phương đã cấp hàng ngàn túi ni lông, có xe 3 ngăn, điểm tập kết để tiếp nhận rác có thể tái chế như nhóm vỏ lon, nhóm chai lọ và nhóm giấy. Ông Võ Trường Anh, Chủ tịch UBND P.Hải Châu 1 cho biết thêm, qua mấy ngày đầu triển khai, đề án phân loại rác tại nguồn được người dân ủng hộ. Tuy nhiên người dân cũng có những góp ý mà địa phương sẽ tiếp thu và điều chỉnh dần trong quá trình thực hiện, như bổ sung thêm các túi chứa rác và thay đổi kích thước túi nhỏ hơn cho hộ dân để đảm bảo chứa 3 loại rác tại nhà, tránh lẫn lộn cũng như trộn lẫn các loại rác với nhau.
Ông Phạm Thanh Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng, cũng cho hay đã bổ sung nhân lực (vì công tác thu gom khi phân loại tốn thêm thời gian) đảm bảo cuộc vận động đạt hiệu quả. “Xác định rác là tài nguyên nên thu gom những gì có thể tái chế được. Và cho dù áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại như đốt toàn bộ, chúng ta vẫn cần phải phân loại để giảm tỷ lệ xà bần, đất đá, than tổ ong... trong rác, giảm chôn lấp tro xỉ sau đốt”, ông Phúc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.