Tập kết ở TP.HCM
Từ ngày 24 - 27.9, Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành năm 2020 diễn ra với sự tham gia của gần 600 doanh nghiệp (DN) ở nhiều địa phương giới thiệu trực tiếp đến nhà phân phối và người tiêu dùng TP.HCM gần 2.000 mặt hàng đặc sản, trưng bày tại 500 gian hàng. Đây là chương trình thường niên của TP.HCM. Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành giai đoạn 2016 - 2020, đã có hàng ngàn hợp đồng hợp tác được ký kết với giá trị bình quân ước đạt 4.500 tỉ đồng/năm. Năm 2019 có 45 địa phương tham gia, số hợp đồng ký kết là 513. Năm nay mục tiêu ký kết trên 513 hợp đồng. Bên cạnh hàng nông sản từ các tỉnh, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm chế biến, sản phẩm chủ lực của TP.HCM, hội nghị còn giới thiệu nhiều đặc sản mới của vùng miền trên cả nước như các loại khô thủy hải sản của các tỉnh Tây Nam bộ, hàng thủ công mỹ nghệ đến từ các làng nghề miền Trung...
Tuy nhiên, năm 2020 tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động đi lại, vận tải hàng hóa, giao thương giữa các quốc gia cũng như giữa các địa phương trên cả nước. Vì vậy, nhiều chuỗi cung ứng kết nối cung cầu phối hợp thực hiện bình ổn thị trường giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 cũng như thời gian tới. Dịp này, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM và các tỉnh, thành đã ký kết chương trình Hợp tác thương mại giữa TP.HCM và 20 tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ giai đoạn 2020 - 2025 với các nội dung và giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương...
|
Nhộn nhịp đặc sản vùng miền
Thích thú với món mít tố nữ đỏ và những quả thanh long vỏ vàng ruột trắng tại một gian hàng ở triển lãm, chị Lê Hồng (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho hay chị là người gốc miền Trung nên rất thích sản phẩm tự nhiên. Đặc biệt là những món ăn được chế biến đơn giản như cá bống Sông Trà kho tiêu của Quảng Ngãi, tôm chua Huế, bánh tráng Tam Quan, món tré của Bình Định... “Tôi hay mua các món đặc sản miền Trung ở mấy chỗ chuyên bán hàng đặc sản. Riêng cá khô, nem chua, tôm khô... thì từ những tỉnh miền Tây như Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang. Nói chung giờ ở TP.HCM mà muốn mua gì của tỉnh, thành nào cũng có hết. Nhiều gia đình bạn bè, người quen của tôi cũng hay mua vậy”, chị Hồng nói.
Tính chung trong giai đoạn 2012 - 2019, với 8 năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành, đến nay có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỉ đồng/năm.
Kết nối cung cầu hàng hóa đã trở thành sự kiện quan trọng, giải pháp thiết thực để triển khai hiệu quả chương trình hợp tác, khẳng định thương hiệu, tạo được sức lan tỏa lớn đến các địa phương. Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến nay, có 28 DN bình ổn thị trường của TP.HCM đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất; 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỉ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỉ đồng/năm.
|
Số lượng người thích các món ăn đặc sản không chỉ xuất phát từ quê hương xứ sở mà đã lan rộng ra cả những người ở các tỉnh thành khác đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Điều này khiến các cá nhân, cửa hàng đặc sản cũng bắt đầu nhiều hơn. Chị Thu Hà (H.Nhà Bè, TP.HCM) khoảng 1 năm nay bắt tay làm thêm bằng việc bán đặc sản của quê ở Ninh Thuận như nho, tỏi Phan Rang, nước mắm, chả cá hoặc cuối tuần gom mua 1 - 2 thùng cá tươi về bán cho người quen, đồng nghiệp trong công ty. Nhưng chỉ bán trong một nhóm nhỏ nên tiền lãi không nhiều, coi như chị làm thêm lúc rảnh. Đồng thời, những cơ sở sản xuất, DN ở các tỉnh thành khác cũng mở rộng tìm kiếm khách hàng, tích cực quảng bá và đưa sản phẩm về TP.HCM giới thiệu thông qua các triển lãm, hội chợ. Chị Nguyễn Song Phương, chủ cửa hàng Đặc Sản Việt (TP.HCM), chia sẻ thị trường đặc sản vùng miền tại TP.HCM khá phong phú và đa dạng. Thực tế hoạt động bán đặc sản các vùng miền đã xuất hiện ở TP.HCM từ nhiều năm trước và ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ đó cũng kéo theo nhiều người tham gia kinh doanh các mặt hàng này.
Ngoài các cơ sở sản xuất, DN tăng cường tiếp thị tại TP.HCM, một lực lượng lớn các cá nhân bán hàng qua mạng xã hội, Zalo cũng tăng nhanh. Vì vậy sự cạnh tranh trên thị trường đang khá gay gắt. Thậm chí trong năm nay, nhiều đơn vị bị tác động bởi dịch Covid-19 khiến nhiều người bị mất việc làm, thu nhập giảm sút nên cũng gia nhập lực lượng bán hàng qua mạng. Thế nhưng cũng không ít người sau một thời gian đã từ bỏ vì không có khách hàng. Nếu muốn quảng bá tìm khách thì không đủ chi tiền quảng cáo. Vậy nên dù người mua gia tăng nhưng không phải ai muốn bán hàng cũng có thể trụ vững trên thị trường.
Bình luận (0)