Đại sứ Pháp Nicolas Warnery 'mục sở thị' công trình cảng nước sâu 520 triệu USD

02/07/2020 20:26 GMT+7

Trưa 2.7, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, ông Vincent Floreani - Tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, cùng nhiều quan chức Pháp đã đến thăm cảng nước sâu Gemalink, trị giá 520 triệu USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cảng Gemalink là một trong những dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam có vị trí thuận lợi do nằm gần luồng hàng hải quốc tế, ngay cửa sông Thị Vải – Cái Mép có mớn nước sâu nhất, thuận tiện cho việc quay trở tàu.
Tổng chiều dài của cầu bến là 1.500 m, có thể tiếp nhận đồng thời 3 tàu mẹ và 2 tàu Feeder ra vào làm hàng. Công trình có tổng mức đầu tư 520 triệu USD, do Công ty CP Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link (Gemalink) làm chủ đầu tư. Đây là dự án hợp tác giữa 2 tập đoàn lớn trong lĩnh vực hàng hải và khai thác cảng là Gemadept góp vốn 75% và hãng tàu CMA-CGM Pháp góp vốn 25%. Hiện công trình đã thực hiện được 80%, tất cả các hạng mục đang triển khai đúng tiến độ xây dựng, dự kiến đưa vào hoạt động vận hành thử nghiệm vào quý 4/2020 và chính thức đưa vào khai thác ngay những tháng đầu năm 2021, tạo thêm một dấu ấn quan trọng nữa trong mối quan hệ Pháp – Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery (phải) gặp gỡ và trao đổi thân mật với các chuyên gia Pháp và lãnh đạo Gemalink

Ảnh: Quỳnh Trân

Nói về hiệu quả của dự án đang liên doanh, ông Phạm Quốc Long, Phó Tổng giám đốc công ty CP Gemadept, cho biết: “Đây là cảng nước sâu duy nhất ở khu vực Cái Mép - Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối các nước khu vực châu Á như Philippines, Thái Lan, Campuchia và trong nước như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn cùng các tỉnh khu vực phía Nam. Gemalink được trang bị các thiết bị và công nghệ đồng bộ hiện đại với năng lực tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất thế giới lên đến 200.000 DWT tương đương 23.000 TEU. Năng lực xếp dỡ của cảng trong giai đoạn 1 là 1,5 triệu TEU/năm và toàn dự án là 2,4 triệu TEU/năm. Tuy nhiên, niềm tự hào nhất của những người thợ, công nhân và ngay cả chúng tôi là cảng nước sâu Gemalink khi đưa vào hoạt động sẽ trở thành một trong 19 cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay do người Việt trực tiếp thi công”.

Cảng Gemalink là một trong những dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 19 trên thế giới với tổng mức đầu tư 520 triệu USD

Ảnh: Quỳnh Trân

Cũng theo ông Phạm Quốc Long: “Nếu đưa vào khai thác sớm, cảng nước sâu Gemalink sẽ giải quyết nhanh tình trạng quá tải hàng hóa hiện nay tại khu vực Cái Mép, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hàng hóa của Việt nam khi chúng ta vừa tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do FTA, đặc biệt với hai hiệp định CPTPP, EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng tàu nói riêng, bởi lẽ cảng nước sâu chính là hạt nhân cho sự phát triển các trung tâm logistics, mạng lưới ICD vệ tinh, kho bãi liền kề, khu cụm công nghiệp và các dịch vụ phụ trợ…”.
Sau khi tham quan thực tế tại dự án cảng nước sâu Gemalink, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam - ông Nicolas Warnery đánh giá cao hiệu quả của liên doanh.

Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery: "Tôi tin tưởng với sự kết nối hàng hải thông suốt, nhất là khi EVFTA có hiệu lực, công trình cảng nước sâu Gemalink đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế giữa hai nước phát triển thuận lợi".

“Công trình hợp tác liên doanh giữa một hãng tàu hàng đầu nước Pháp, đứng thứ tư của thế giới là CMA-CGM với một trong những công ty vận tải biển lớn nhất Việt Nam như Gemadept. Tôi hy vọng với sự kết nối hàng hải thông suốt giữa các nước, đặc biệt là châu Âu, nhất là khi EVFTA có hiệu lực... thì việc cảng nước sâu Gemalink đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế giữa hai nước Pháp - Việt Nam phát triển thuận lợi, tiếp tục vươn lên những tầm cao mới”, ông Nicolas Warnery nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.