Xuất khẩu quặng đồng, gỡ khó cho doanh nghiệp

08/10/2019 06:40 GMT+7

UBND tỉnh Thái Nguyên mới đây đã đề nghị Bộ Công thương cho phép Công ty Núi Pháo được xuất khẩu gần 95.000 tấn quặng đồng, do trong nước không có nhu cầu.

Tinh luyện chi phí lớn

Trong văn bản gửi Bộ Công thương, UBND tỉnh Thái Nguyên cho hay đã thành lập đoàn kiểm tra và xác nhận tồn kho đến giữa tháng 7 của Công ty TNHH khai thác khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) là 94.539 tấn tinh quặng đồng. Theo Thông tư 41/2012 của Bộ Công thương, thì tinh quặng đồng của Công ty Núi Pháo có hàm lượng đồng (Cu) lớn hơn hoặc bằng 20% được phép xuất khẩu đến hết năm 2015.
Từ năm 2016 đến nay, do không được xuất khẩu, Công ty Núi Pháo đã tìm kiếm khách hàng trong nước, đàm phán với nhiều doanh nghiệp có nhà máy luyện đồng, như Tổng công ty khoáng sản TKV, Công ty CP sản xuất và thương mại hóa chất An Phú, Công ty CP Tứ Đỉnh... để tiêu thụ, nhưng do các doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu hoặc công nghệ luyện đồng không phù hợp với quặng có lưu huỳnh cao, nên không có nhu cầu.
Tỉnh Thái Nguyên cũng cho hay Công ty Núi Pháo đang nghiên cứu triển khai dự án nhà máy luyện đồng với công suất 10.000 tấn/năm, để sử dụng tinh quặng đồng nêu trên. Song do tính chất phức tạp và vốn đầu tư lớn, nên dự kiến đến hết năm 2022, nhà máy luyện đồng mới có thể đi vào hoạt động. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn trước mắt, địa phương đề nghị Bộ Công thương cho Công ty Núi Pháo được xuất khẩu số quặng đồng tồn kho.
Hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến của Bộ TN-MT và Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Dù vậy, Bộ Công thương cho rằng, tồn kho tinh quặng đồng “là thực tế”. Vì vậy, dù có thông tư không cho phép xuất khẩu tinh quặng đồng kể từ năm 2016, nhưng Bộ Công thương cũng tỏ ra chia sẻ với doanh nghiệp khi sản phẩm bị ế, đồng thời cho hay loại quặng này có hàm lượng lưu huỳnh cao, nên vấn đề xử lý trong quá trình luyện đồng rất phức tạp, chi phí lớn.

“Chỉ là giải pháp tình thế”

Công ty Núi Pháo được Bộ TN-MT cấp phép khai thác mỏ quặng vonfram - đa kim Núi Pháo vào tháng 9.2010, với trữ lượng hơn 83 triệu tấn quặng vonfram và khoáng sản đi kèm, công suất 3,5 triệu tấn quặng/năm. UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư của dự án với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng, chưa bao gồm dự án tinh luyện vonfram. Dự án hoàn thành và đi vào sản xuất từ tháng 8.2013, sản phẩm của dự án là ôxit vonfram, tinh quặng đồng, fluorspar cấp acid và bismuth xi măng.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết những năm gần đây, giá kim loại và khoáng sản trên thế giới và khu vực giảm sâu. Điều này khiến các doanh nghiệp ngành khai khoáng gặp rất nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, nhiều dự án chế biến không được đầu tư theo quy hoạch, hoặc đã đầu tư nhưng sản xuất cầm chừng với sản lượng rất thấp, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, tồn kho một số loại khoáng sản với khối lượng lớn, nhiều mỏ phải tạm thời đóng cửa, sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, trường hợp doanh nghiệp dừng khai thác khoáng sản vẫn phải thực hiện việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở giấy phép đã được cấp. Trước tình hình trên, ông Hải cho hay Thủ tướng đã cho phép xuất khẩu một số quặng tồn kho trong nước không sử dụng hết trong các năm 2017 và 2018, như quặng sắt, titan.
“Việc giải quyết xuất khẩu tồn kho nêu trên chỉ là giải pháp tình thế, tháo gỡ khó khăn trước mắt”, ông Hải lý giải và cho biết thêm Bộ Công thương đang phối hợp các bộ, ngành xây dựng, thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch khoáng sản theo quy định của luật Quy hoạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.