Dè dặt giảm thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

29/03/2019 06:50 GMT+7

Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó đề xuất mức thuế suất giảm còn 15 - 17% thay vì 20% như hiện nay.

Miễn giảm 2 năm, thuế suất 15 - 17%

Dự thảo nghị quyết đưa ra ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp (DN) thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh. Hết thời gian miễn thuế, thực hiện mức thuế suất 15% đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỉ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người (hay còn gọi là DN siêu nhỏ); thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 - 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người.
Theo luật sư Trần Xoa, nghị quyết cần nêu rõ DN hay cơ quan thuế xác định quy định DN “không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh” để áp dụng tỷ lệ thuế trên doanh thu nhằm tránh gây nhũng nhiễu.
 
Ngoài ra, đối với DN siêu nhỏ xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ (hình thức khoán thuế).
Cụ thể tỷ lệ thuế đối với DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối, cung cấp hàng hóa là 0,4% (hiện nay là 0,5%); sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu là 1,2% (hiện nay là 1,5%); dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu là 1,5% (hiện là 2%)... Dự kiến nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2020.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng việc hỗ trợ giảm thuế suất đối với các DNVVN về mức 15 - 17% hiện nay là khá chậm. Vào năm 2016, vấn đề này đã được đặt ra trong dự thảo sửa đổi luật thuế nhưng sau đó lại bỏ ra. Năm 2017, luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ (DNVVN) được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018 có quy định: “DNVVN được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN theo quy định của pháp luật về thuế TNDN”, thế nhưng đến nay mới có dự thảo nghị quyết.
Chính vì vậy ban soạn thảo cần “mạnh dạn” đột phá giảm mạnh hơn nữa, đưa mức thuế suất xuống 10 - 15% để hỗ trợ DNVVN thay vì 15 - 17% như đề xuất. Cụ thể đối với DN siêu nhỏ áp dụng thuế suất 10%, DNVVN thuế suất 15%. Như vậy mới có thể đạt được mục tiêu đến năm 2020 VN có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỉ đồng

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9.200 tỉ đồng/năm, trong đó giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỉ đồng/năm và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách nhà nước vào những năm sau.
Ông Trần Xoa cho rằng khi đánh giá tác động của chính sách hỗ trợ thuế thì ngắn hạn thường là giảm thu ngân sách nhưng thực tế có khi lại không giảm nhiều đến mức đó. Những năm sau đó có thể thu nhiều hơn khi các DN phát triển mạnh hơn, như bình quân mỗi ngày hiện nay TP.HCM thu thuế khoảng 1.000 tỉ đồng.
Kiến nghị giảm mức thuế suất xuống 10 - 15%, ông Trần Xoa cho rằng sẽ được 2 cái lợi. Đó là số lượng DN thành lập mới sẽ tăng nhanh hơn, góp phần đóng thuế nhiều hơn. Đồng thời, với mức thuế suất thấp sẽ hạn chế tình trạng gian lận thuế, ẩn doanh thu tránh thuế, tạo ra số thuế nộp ngân sách tăng lên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.