Tại báo cáo mới nhất này, Bộ Công thương đã chia 2 vùng (thay vì 4 vùng như dự thảo trước đó), trong đó vùng 2 là 6 tỉnh (của vùng 4 trước đây) có lợi thế tiềm năng bức xạ, gồm: Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Giá mua điện dự kiến áp dụng với dự án điện mặt trời mặt đất với vùng này là 1.525 đồng/kWh (tương đương 6,67 cent/kWh). Trong khi đó, vùng 1 (mới) bao gồm tất cả 57 tỉnh, thành phố (của các vùng 1, 2, 3 theo cách chia trước đó) và giá mua điện dự kiến cao hơn: 1.620 đồng/kWh (7,09 cent).
Bộ Công thương nhìn nhận, ưu điểm của việc phân 2 vùng là chính sách giá đơn giản, do chỉ có 2 mức giá; không cần hỗ trợ cao hơn tại các vùng có tiềm năng bức xạ thấp. Tuy nhiên, nhược điểm của cách chia mới là không đủ khuyến khích để thu hút nhà đầu tư phát triển điện mặt trời tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Do vậy, trong báo cáo, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận phương án vẫn chia thành 4 vùng phát triển điện mặt trời như tờ trình trước đây.
Trong báo cáo này, Bộ Công thương cũng đề xuất nhiều chính sách nhằm khuyến khích các dự án điện mặt trời trên mái nhà trong phạm vi cả nước. Cụ thể, tiếp tục cho áp dụng giá điện 9,35 cent/kWh cho các dự án điện mặt trời mái nhà trên cả nước đến hết năm 2021. Đến nay có khoảng 4.000 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất khoảng 45 MWp.
Để giải quyết khó khăn trong việc cấp điện trong thời gian tới, cần khuyến khích phát triển điện mặt trời trên mái nhà do thời gian thi công nhanh, không cần phát triển hệ thống lưới truyền tải, giảm tổn thất hệ thống truyền tải, tiết kiệm diện tích đất, huy động nguồn lực trong dân và doanh nghiệp vào đầu tư nguồn cấp điện. Đề nghị này cũng nhận được sự thống nhất cao của EVN.
Bình luận (0)