Đề xuất biểu giá điện sinh hoạt chỉ còn 5 bậc thang

25/02/2020 18:29 GMT+7

Đưa ra nhiều kịch bản thay đổi biểu giá bậc thang điện sinh hoạt, song Bộ Công thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, trong đó Bộ này đưa ra nhiều kịch bản thay đổi biểu giá bậc thang điện sinh hoạt, song Bộ Công thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang.
Cụ thể, Bộ này đưa các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.
Theo đó, phương án 1 bậc có giá bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Với phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đến 330.000 đồng/hộ/tháng;
Trong khi đó, hộ sử dụng từ 0 - 200 kWh/tháng (khoảng 18,6 triệu hộ) tiền điện trả tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng.
Phương án 2 là rút từ 6 bậc như hiện nay còn 3 bậc. Trong đó, giá điện bậc 1 (từ 0 - 100 kWh); bậc 2 từ 101 - 400 kWh; bậc 3 từ 401 kWh trở lên.
Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 301 kWh/tháng trở lên (khoảng 3,1 triệu hộ), tiền điện phải trả giảm từ 45.000 đến 62.000 đồng/hộ/tháng; hộ sử dụng từ 0 - 300 kWh/tháng (khoảng 22,3 triệu hộ), tiền điện phải trả tăng từ 4.000 - 30.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.
Phương án 3: Cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt bao gồm 4 bậc thang; trong đó giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh; bậc 2 từ 101 - 300 kWh; bậc 3 từ 301 - 600 kWh; bậc 4 từ 601 kWh trở lên.
Theo phương án này, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 51-100, 201-300 và 301-400 kWh/tháng (khoảng 10,3 triệu hộ), tiền điện phải trả giảm từ 267 - 32.000 đồng/hộ/tháng; trong khi đó, hộ sử dụng từ 0-50, 101- 200 và từ 401 kWh/tháng trở lên (khoảng 15,3 triệu hộ) tiền điện phải trả tăng từ 1.000 - 105.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Ưu tiên phương án 5 bậc

Phương án 4 là biểu giá điện gồm 5 bậc. Tuy nhiên, trong đó, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 kịch bản khác nhau. Một là giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang, trong đó giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành; bậc 2 từ 101 - 200 kWh; bậc 3 từ 201 - 400 kWh; bậc 4 từ 401 - 700 kWh; bậc 5 từ 701 kWh trở lên.
Bản chất kịch bản này là giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc thông qua việc ghép các bậc lại với nhau, để tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn, nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện.
Tuy nhiên, tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,8% tổng số hộ) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng.
Kịch bản 2 của phương án 5 bậc là giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi; gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1, nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400 kWh) của giá điện cũ.
Kịch bản 2 này sẽ khiến tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 200 - 300 kWh/tháng và từ 701 kWh/tháng trở lên phải trả tăng thêm khoảng từ 6.000 - 14.000 đồng/hộ/tháng. Mức tăng giá giữa các bậc là không đồng đều.
Sau khi đưa ra các phương án, Bộ Công thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1, với lý do là mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý; đảm bảo toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tông số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới.
Bộ Công thương cho rằng, các biểu giá điện nêu trên đảm bảo nguyên tắc hiệu quả sản xuất kinh doanh; thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa.
Bộ Công thương cho biết, việc lấy ý kiến này nhằm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg) để trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Đề xuất này của Bộ Công thương được chỉnh lý dựa trên tờ trình trước đó của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê đơn vị tư vấn xây dựng và đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 11 năm ngoái. Khi đó, với phương án 5 bậc, nhóm nghiên cứu cho rằng phù hợp hơn cả với các mục tiêu định giá như hộ tiêu dùng bậc 101 - 200 kWh/tháng chịu tác động ít nhất trong 3 phương án.

Bên cạnh đó, việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp hơn với đặc điểm tiêu dùng hiện nay. Cụ thể, với cách chia này, số hộ dùng 100 số điện/tháng trở xuống chiếm 32,7%; số dùng từ 101-200 số điện chiếm 35,4%; bậc 3 (201-400 số điện) chiếm tỷ lệ 20,6%; số hộ dùng từ 401-700 số điện chiếm 4,36%; và số hộ dùng trên 700 số chỉ chiếm 2,74%.

 

Hơn nữa, 5 bậc thang sản lượng cũng phù hợp với 5 bậc thang thu nhập của hộ gia đình. Với các ưu nhược điểm đó, nhóm đề xuất cuối cùng là áp dụng phương án 5 bậc thang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.