Đề xuất cấm bán rượu, bia qua mạng internet là không hợp lý

03/11/2018 16:18 GMT+7

Thay vì quy định cấm bán rượu, bia qua mạng internet như trong dự thảo luật Phòng, chống tác hại rượu, bia , chỉ nên giới hạn không bán rượu bia gần trường học, bệnh viện…

Đó là đề nghị của các chuyên gia tại hội thảo “Dự án luật Phòng, chống tác hại rượu bia dưới các góc nhìn khác nhau” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức sáng nay, 3.11.
Mua bia, rượu ở Việt Nam dễ nhất thế giới
Thay mặt cơ quan soạn thảo dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết trong 3 - 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã xếp thứ 64 thế giới về mức độ tiêu thụ rượu, bia. Tại Việt Nam, có tới 77% nam giới sử dụng rượu, bia. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở nam giới của Việt Nam đứng thứ 10 châu Á và thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.
Dẫn lại các số liệu trên của Tổ chức Y tế thế giới, bà Trang cho hay, rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 bệnh tật và là nguyên nhân gián tiếp của 200 bệnh. Nếu so với hút thuốc lá, các hệ lụy về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn rất nhiều, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, tội phạm, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới.
Về thực trạng quản lý kinh doanh rượu, bia, theo bà Trang, bất cứ địa điểm, cơ sở nào cũng sẵn có rượu, bia để bán cho người dân, từ các quán rượu, siêu thị, cửa hàng tạp hoá, khách sạn, cửa hàng giải khát, kinh doanh ăn uống, quán nước vỉa hè…Thậm chí, tại căng tin của các cơ quan, doanh nghiệp… cũng có bán rượu, bia.
“Thời gian bán, số lượng rượu bán để uống tại chỗ không bị hạn chế. Điều này dẫn đến hệ lụy là rượu, bia ở Việt Nam sẵn có và dễ tiếp cận nhất thế giới. Việc uống rượu, bia nhiều; say rượu, bia; trẻ em mua và uống rượu, bia vẫn diễn ra và người bán cũng không có biện pháp để cảnh báo hoặc từ chối bán trong các trường hợp này”, bà Trang nói.
Mặc dù đã có một số quy định liên quan đến rượu bia nhưng bà Trang cho rằng chủ yếu điều chỉnh đối với sản xuất, kinh doanh và xử phạt đối với rất ít các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia.Trong khi đó còn một khoảng trống rất lớn, thiếu nhiều quy định mang tính phòng ngừa, giảm thiểu các tác hại của rượu bia. Vì vậy, bà Trang nhấn mạnh, cần thiết phải có một luật quy định bao phủ các hoạt động kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại rượu, bia. Tất cả vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là để người trẻ tránh tiếp xúc với rượu, bia quá sớm, nguy hại cho sức khỏe.
Sản phẩm kinh doanh không bị cấm sao cấm bán trên mạng?
Dự thảo luật quy định những địa điểm không được bán rượu bia bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; nơi làm việc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam; trên mạng internet, máy bán hàng tự động…
TS Phạm Tuấn Khải, Ủy viên thường vụ Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng quy định cấm bán bia, rượu qua mạng internet trong dự thảo mâu thuẫn với luật Thương mại. Do đó, luật chỉ nên quy định không bán rượu, bia tại các địa điểm gần trường học trung tâm y tế, địa điểm tôn giáo… không nên cấm bán rượu, bia qua mạng internet, qua máy bán hàng tự động.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, bày tỏ: “Bia, rượu hiện đang được phép kinh doanh mua bán trên thị trường nhưng lại bị cấm bán trên mạng internet như trong dự thảo luật. Nếu như sản phẩm kinh doanh không bị cấm thì không có lý do gì để người có giấy phép kinh doanh sản phẩm đó lại bị cấm không được sử dụng công cụ internet để thực hiện hành vi kinh doanh hợp pháp. Đề nghị cơ quan soạn thảo và Quốc hội xem xét loại bỏ quy định cấm bán rượu bia trên internet trong dự thảo luật”.
Để luật có tính khả thi cao cần phải có đánh giá tác động của luật một cách đẩy đủ. Dự án luật cần tập trung vào bảo vệ sức khỏe con người thông qua thắt chặt quản lý hoạt động sản xuất và tiêu thụ đồ uống có cồn kém chất lượng, nằm ngoài sự kiểm soát; truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức hành vi lạm dụng đồ uống có cồn; ngăn chặn các hành vi phạm pháp luật thông qua các chế tài, hình thức xử phạt nghiêm khắc.
Theo TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cách tiếp cận của ban soạn thảo đưa ra các biện pháp hạn chế sản xuất và buôn bán rượu bia là không hợp lý, không giải quyết vấn đề mà còn gây ra thiệt hại về quảng cáo, méo mó về thị trường. Giá của nhà sản xuất gia tăng, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt, nguy cơ phát sinh, thay vì uống rượu, bia đắt đỏ người dân ở các vùng nông nông chuyến sang uống rượu thủ công, rượu lậu không rõ nguồn gốc còn nguy hiểm đến sức khỏe hơn nhiều.
“Chúng ta nên tiếp cận trực diện sử dụng các biện pháp hạn chế uống rượu, bia quá mức. Chẳng hạn, tính giá bảo hiểm cho người lái xe từng vi phạm cho người uống rượu bia nên tăng gấp 2 - 3 lần", TS Hiếu góp ý.
 
70% rượu trên thị thường do dân tự nấu
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam thuộc 12 quốc gia trên thế giới vẫn còn cho phép người dân tự nấu rượu. Hiện nay, thị trường rượu có khoảng trên 70% là rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và gây thất thu ngân sách.
Theo tính toán của Bộ Y tế, mỗi năm nhà nước thất thu từ rượu không mác nhãn ước tính khoảng 2.000 tỉ đồng. Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu Eurmonitor (quy mô thị trường đồ uống có cồn năm 2015), ước tổng thiệt hại từ thị trường bia, rượu trái phép tại Việt Nam ước khoảng 441 triệu USD/năm (hơn 10.000 tỉ đồng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.