Đề xuất 'lạ' cho doanh nghiệp công nghệ số Việt

08/05/2019 18:06 GMT+7

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tạo ra khó khăn cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, vì thế diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số ngày mai, 9.5, sẽ đưa ra "đề xuất lạ" cho các doanh nghiệp.

Sáng mai, 9.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức với khát vọng nâng tầm cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Diễn đàn sẽ cũng sẽ đề cao khẩu hiệu “Make in Vietnam”. Vậy “Make in Vietnam” là gì, và khác gì so với “Made in Vietnam”?
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Make in Vietnam hướng doanh nghiệp công nghệ Việt Nam áp dụng công nghệ của thế giới sử dụng cho các vấn đề Việt Nam, sản xuất sản phẩm tại Việt Nam.
Diễn đàn sẽ đưa ra một số kiến nghị, đề xuất và đặc biệt là Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ. Cũng theo người đứng đầu Bộ Thông tin - Truyền thông, Make in Vietnam hướng tới 3 nhóm doanh nghiệp công nghệ.
Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nếu theo tiêu chí startup công nghệ là đưa ra các sản phẩm sáng tạo, tiên phong, có sức ảnh hưởng trên thế giới thì Việt Nam rất hiếm doanh nghiệp làm được.
Nhóm thứ 2 là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, đây sẽ là nhóm nhiều tiềm năng nhất khi có thể áp dụng công nghệ, kinh nghiệm quốc tế tạo ra sản phẩm, giải pháp cung cấp cho Việt Nam, giải bài toán của Việt Nam. Hoặc doanh nghiệp làm tư vấn công nghệ, ví dụ như đưa các sản phẩm công nghệ về áp dụng trong quá trình nuôi tôm của nông dân Việt, mà bản thân người nông dân vì nhiều lý do chưa tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến.
“Nếu nhóm startup công nghệ không có nhiều đất dành cho doanh nghiệp Việt thì nhóm thứ 2 này mang lại giá trị nhiều hơn, có thể tạo nên cuộc cách mạng toàn dân làm công nghệ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Nhóm thứ 3 chính là các doanh nghiệp đầu đàn, gồm các doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, CMC… hay các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, bất động sản chuyển hướng sang đầu tư công nghệ như Viettel, Vingroup…
“Các doanh nghiệp dịch vụ có nguồn doanh thu, lợi nhuận khổng lồ hàng chục nghìn tỉ mỗi năm, với vài nghìn tỉ đầu tư cho nghiên cứu hàng năm. Đây sẽ là các doanh nghiệp nhận lấy sứ mạng quốc gia để phát triển công nghệ, thay vì chỉ khu biệt trong lĩnh vực dịch vụ”, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông nhấn mạnh.

Khó khăn là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ luôn loay hoay với hướng đi do thiếu một chiến lược cũng như chính sách hỗ trợ.
Song, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để mạnh hơn, doanh nghiệp không chỉ cần chính sách hỗ trợ mà khó khăn cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.
“Tại diễn đàn lần này sẽ có một đề xuất lạ: đó là Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam hãy nâng cao các tiêu chuẩn Việt Nam, đây là biện pháp để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, đổi mới công nghệ”, Bộ trưởng Hùng cho hay.
Người đứng đầu Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho rằng, với nhiều chính sách cởi mở gần đây, cho phép thử nghiệm những cái mới như Mobile money, taxi công nghệ… đã cho thấy những cởi mở của Chính phủ.
“Nhân lực công nghệ không thiếu. Bài toán quan trọng là tạo việc làm, càng tạo ra nhiều việc khó sẽ càng có thêm nhiều người tài. Vì thế, diễn đàn lần này, các bộ, ngành, địa phương sẽ đặt hàng, đưa ra đầu bài cho các doanh nghiệp công nghệ”, ông Hùng cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.