Để “vá” các lỗi này, mới đây nhiều ý kiến đề xuất thực hiện tách thửa theo quyết định cũ.
Phát sinh nhiều giấy phép con
Một người dân ở P.Đông Hưng Thuận, Q.12 có lô đất ở Chợ Cầu rộng 1.200 m2, sổ đỏ khu đất có chức năng là đất làm lúa, trên xây căn nhà cấp 4 ở từ 60 năm về trước. Mới đây khi gia đình xin cấp sổ đỏ và tách thửa theo Quyết định 60, chính quyền địa phương chỉ công nhận 500 m2 là đất ở, còn lại là đất nông nghiệp trồng cây ngắn hạn.
Trong khi nếu theo Quyết định 33 cũ về tách thửa (được thay thế bằng Quyết định 60), sẽ cho chuyển toàn bộ khu đất trên lên đất thổ cư và cho tách thửa nếu đáp ứng được kết nối hạ tầng vì khu đất này trên sổ đỏ là đất làm lúa, nhưng thực tế từ lâu đã không thể làm nông nghiệp vì nằm trong đô thị hiện hữu.
Theo ông Sang, một người dân tại H.Nhà Bè (TP.HCM), theo quy định tại Quyết định 60, muốn tách thửa người dân phải thỏa các điều kiện như: khó khăn về nhà ở, tách thửa để bán lấy tiền chữa bệnh, tách thửa bán lấy tiền cho con đi học... Để có được những điều này, người dân phải có giấy xác nhận của UBND phường, xã. Không những thế, trong Quyết định 60 không đề cập đến quy mô diện tích đất là bao nhiêu đối với trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Còn trong thực tế có những khu đất diện tích nhỏ (khoảng 400 - 600 m2), người dân muốn thực hiện thủ tục tách thửa để chia cho các con trong gia đình cũng phải làm văn bản gửi về Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM để xin ý kiến. Điều này phát sinh thêm giấy phép con, thậm chí là tiêu cực, nhũng nhiễu.
Ông Hoàng, một người dân ở H.Cần Giờ, cho hay ông có khoảng 2.000 m2 đất, khi làm hồ sơ xin tách thửa đất theo Quyết định 60 thì nơi đây không giải quyết. “Tôi lên hỏi Phòng Quản lý đô thị Cần Giờ để nộp thì họ trả lời chưa có ai được làm tách thửa theo Quyết định 60. Giờ tôi không biết nộp hồ sơ ở đâu, nộp cho ai và làm như thế nào”, ông Hoàng bức xúc.
Quyết định 60 “tắc” do xuất hiện các khái niệm như đất khu đô thị chỉnh trang, đất khu dân cư xây dựng mới không có trong luật Đất đai. Chưa kể mỗi quận huyện đều thành lập một hội đồng xét duyệt tách thửa, nhưng mỗi nơi một kiểu vì “chất lượng” cán bộ chưa đồng đều. Chính vì vậy, ở địa phương này cho tách thửa, một số địa phương lại không cho tách thửa hoặc mỗi nơi làm một kiểu.
Làm theo Quyết định 33
Lãnh đạo một công ty bất động sản có trụ sở tại Q.9 (TP.HCM) phân tích, Quyết định 60 quá rắc rối vì một thửa đất để được tách thửa còn phụ thuộc vào hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc về chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu dân số, cốt nền, chiếu sáng công cộng, cây xanh, vỉa hè... Để đơn giản hóa vấn đề này, chỉ cần căn cứ theo quy hoạch 1/2.000, nếu đủ điều kiện sẽ cho tách.
“Quan điểm của TP lâu nay Quyết định 60 chỉ phục vụ nhu cầu của người dân, không phục vụ nhu cầu kinh doanh, tránh trường hợp phá vỡ quy hoạch, gây quá tải hạ tầng. Tuy nhiên, tư duy này không ổn, bởi nếu họ tách thửa đảm bảo quy hoạch, phù hợp kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất thì phải giải quyết. Khi đó, nhà nước vừa đảm bảo được nhu cầu tách thửa của người dân, cũng có thể quản lý được trật tự xây dựng. Bởi nếu có cấm họ cũng lén mua bán giấy tay, xây dựng không phép”, vị này cho hay.
Mới đây trong văn bản gửi Thủ tướng và Bộ Tài nguyên - Môi trường về việc “Đề nghị xem xét bãi bỏ quy định cho phép tách thửa đối với từng loại đất, không để bị lợi dụng nhằm thực hiện phân lô bán nền tràn lan, trái pháp luật”, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng để giải quyết nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở và tách thửa đất ở nếu người sử dụng đất có nhu cầu, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền của địa phương xem xét, thực hiện theo quy định của luật Đất đai 2013. Bên cạnh đó, TP.HCM cần tham khảo cách làm này theo quy định của Quyết định 33. Căn cứ quy hoạch để xem xét giải quyết tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân.
Bình luận (0)