Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên giao dịch 6.2 tăng mạnh 12,63 điểm, tương ứng tăng 1,36% lên 938,54 điểm. Riêng chỉ số HNX-Index trên sàn Hà Nội tăng 2,57% lên 105,84 điểm.
Thị trường chứng khoán ngay khi mở cửa đã có nhiều cổ phiếu tăng giá và giữ nguyên suốt phiên giao dịch. Sắc xanh ngày càng lan rộng và càng về cuối phiên, giao dịch càng sôi động hơn. Điều này có lẽ cũng khiến một số nhà đầu tư đang chần chừ có vẻ sốt ruột nên nhanh tay đặt lệnh mua vào dồn dập đẩy VN-Index tăng nhanh.
Như thường lệ, nhóm cổ phiếu blue-chips trong rổ VN30 là lực đẩy chính cho chỉ số chứng khoán. Trong đó, VRE tăng trần lên 30.950 đồng/cổ phiếu và các cổ phiếu còn lại gồm VNM, HPG, VRE, MWG, FPT, GAS và các cổ phiếu ngân hàng nhảy vọt khiến độ tăng càng vững chắc.
Đi lên mạnh nhất trong phiên là nhóm cổ phiếu ngân hàng với STB của Sacombank tăng trần hết biên độ lên 10.950 đồng/cổ phiếu. Kế đến là VPB lên cao nhất phiên với mức tăng 5,6% lên 25.500 đồng/cổ phiếu, HDB tăng 5,2% lên 29.900 đồng/cổ phiếu, CTG tăng 4,5% lên 27.750 đồng/cổ phiếu, ACB cũng tăng 4,3% lên 24.000 đồng/cổ phiếu, TCB tăng 2,8% lên 22.350 đồng/cổ phiếu… Chỉ duy nhất BID đi ngược khi giảm 300 đồng xuống 53.200 đồng/cổ phiếu.
Sau ngân hàng, dòng tiền bắt đáy cũng gia tăng ở nhóm cổ phiếu dầu khí PVD, PVC, BSR, POW, PVS sau khi giá dầu thế giới tăng mạnh hơn 3%. Tương tự, cổ phiếu các ngành cao su, thủy sản, dệt may, khu công nghiệp… cũng có một phiên hồi phục khá mạnh.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình với tổng khối lượng giao dịch đạt 258,5 triệu đơn vị với trị giá 4.600 tỉ đồng.
Như vậy thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng bước phục hồi sau 3 phiên đầu năm giảm mạnh trước đó vì nỗi sợ dịch virus Corona. Trao đổi với báo chí sáng 6.2, ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Mirea Asset nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch cúm đang có xu hướng đi xuống nhưng nhìn chung vẫn còn tiềm năng tăng trưởng. Thậm chí, đây có thể là cơ hội để mua vào cổ phiếu của các doanh nghiệp có hoạt động ổn định. Hơn nữa, có một điểm tích cực trong quá trình điều chỉnh vừa qua để cho thấy thị trường có thể trở lại, chính là điểm số càng giảm thì thanh khoản càng tăng. Chẳng hạn ngày đầu giảm điểm là ngày 30.1 thanh khoản thị trường tăng 30% so với tháng gần nhất, ngày thứ 2 giảm điểm thanh khoản tiếp tục tăng 49%, thậm chí mức tăng lên đến 68% ngày tiếp theo. Như vậy, theo ông Minh, luôn có nhà đầu tư chờ đợi giá thấp để mua vào. Dù vậy đơn vị này vẫn khuyến cáo nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình cho cả quý 1/2020, khi mà một số quỹ có dấu hiệu rút vốn ngắn hạn đang gây áp lực trên thị trường.
Bình luận (0)