“Dịch Covid-19, không mua thêm áo quần nhưng vẫn phải ăn trứng gà”

19/09/2020 06:43 GMT+7

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch ví von như trên khi nói về thách thức và cơ hội “không chia đều cho ai” trong đại dịch Covid-19 .

Chiều 18.9, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Báo chí - Doanh nghiệp (DN) đồng hành cùng đất nước hội nhập” lần thứ nhất với chủ đề: Cơ hội và thách thức đối với DN trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt cao

Ông Nguyễn Bé - Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, điều này đã đặt ra rất nhiều thách thức cho DN. Tuy nhiên, trong khó khăn do đại dịch, nhiều DN đã đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ đẩy lùi đại dịch Covid-19 bằng sự hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất.
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, nhấn mạnh điểm son lớn nhất của Việt Nam là đã ngăn chặn được đại dịch Covid-19. 3 tuần trước chúng ta không biết dịch Covid-19 quay trở lại lần 2 thế nào, lo lắm, nhưng may mắn, chúng ta đã tạm vượt qua. Ông nói: “Điều chúng ta mong muốn nhất trong năm nay là tăng trưởng kinh tế dương vài phần trăm, không âm là tốt rồi. 8 tháng đầu năm, xuất siêu tăng kỷ lục, hơn 13 tỉ USD đã cho chúng ta niềm tin. Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng ít mua áo quần, ít mua đồ mỹ nghệ đi nhưng trứng gà thì không thể không ăn. Tôi thấy thế này, đại dịch đẩy DN đối diện nhiều thách thức nhưng không ít cơ hội, thay đổi nhiều cơ cấu trong hàng hóa, sản xuất, song cơ hội sẽ thuộc về ai biết chọn thay đổi. Thế nên ngoài xuất khẩu, thị trường trong nước cực kỳ quan trọng, DN nội địa cần chú trọng điều này. Thứ hai, chúng ta bị nghẽn về vốn, có DN không vay được vốn nhưng có DN có vốn lại không hấp thụ được. Trong khi hấp thụ vốn thành công mới quan trọng”.
Ông Lịch cũng chỉ ra “điểm yếu” của gói hỗ trợ lần 1 là quá cẩn thận, quá chậm nên không hiệu quả. Tiền hỗ trợ cho người lao động lẽ ra phải đưa về cho DN lại đưa về địa phương, nên thủ tục rườm rà và chậm, giảm ý nghĩa và mục đích của nó. “Gói hỗ trợ thứ nhất là để DN và một số đối tượng yếu thế trong xã hội tồn tại. Gói thứ 2 không phải là phao để thở mà giúp DN vươn lên. Nghĩa là đã tồn tại, nay phải vượt qua và vươn lên”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh,

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam chiều 18.9: Thêm 2 ca nhập cảnh về từ Pakistan

Ông Trần Đình Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Hải, góp ý chính sách vẫn còn quá nhiều quy định vĩ mô gây khó khăn cho DN. Ví dụ, quy định nhà đầu tư các dự án năng lượng phải có vốn tự có 30%, dự án 1.000 MW điện cũng 30%, dự án nhỏ chỉ 1 MW cũng 30%. Quy định như vậy là nhà nước can thiệp vào hoạt động của DN vì vay bao nhiêu chỉ cần DN và ngân hàng ngồi lại với nhau, tính toán thế nào tốt nhất và không gây thiệt hai bên là được…
Đề cập về tầm quan trọng giữa báo chí và DN trong đồng hành, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ, cho rằng những DN phát triển bền vững, coi trọng môi trường, chú trọng yếu tố con người, cần được báo chí thông tin như sự ủng hộ đồng hành cùng DN. Bà Dung cũng nhấn mạnh yếu tố thích ứng của DN Việt trong hoàn cảnh rất cao. Dẫn chứng, bà kể đại dịch đến tháng 2 và cao trào tháng 3, thời điểm đó là vào mùa sản xuất của DN, kế hoạch không thể thay đổi một sáng một chiều, nhưng chỉ trong một tuần, toàn bộ nhân lực tập trung, đảo kế hoạch để bảo đảm doanh số.

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với DN trong đại dịch Covid-19. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế báo chí. Ông đề nghị các DN nâng cao việc chia sẻ với báo chí các thông tin tích cực và những kiến nghị, đề xuất về chính sách phù hợp. 9 tháng qua, Báo Thanh Niên có trên 200 bài viết nhằm góp phần động viên, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn. Trong vai trò là kết nối thông tin giữa DN và nhà nước, Báo Thanh Niên đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn góp ý cho các cơ quan chức năng và đã có những kết quả kịp thời. Trong thời gian tới, đồng hành với DN, Thanh Niên sẽ tiếp tục đón nhận thông tin nhiều mặt từ phía DN và các kiến nghị, đề xuất phù hợp. Bên cạnh đó, báo cũng sẽ là cầu nối để các DN tìm hiểu và hợp tác cùng nhau. Qua các công cụ trực tuyến, Báo Thanh Niên cũng sẽ đưa thêm nhiều giải pháp, chương trình để DN có thể quảng bá thương hiệu và tương tác với khách hàng sâu rộng hơn. Ông Thông cũng nhấn mạnh ý nghĩa và việc nâng cao chất lượng đồng hành giữa báo chí và DN nhằm hỗ trợ nhau vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội để đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Đồng quan điểm, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, nêu quan điểm khi thị trường tiêu thụ, nguyên liệu bị thu hẹp, báo chí đồng hành với DN theo hướng ngày trước là chia bùi sẻ ngọt, nay là đồng cam cộng khổ. Báo chí đồng hành, phản ánh chủ trương chính sách và lắng nghe sẻ chia chính sách, là cầu nối giữa DN và khách hàng. Đặc biệt, báo chí góp phần không nhỏ trong đính chính thông tin sai lệch liên quan đến DN trên các trang mạng xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.