Điểm sáng giải ngân vốn FDI

02/02/2021 06:26 GMT+7

Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong tháng 1 giảm, song vốn FDI giải ngân lại tăng tạo nên bức tranh khá tích cực cho tình hình thu hút vốn FDI trong tháng đầu năm.

Dự án cũ tăng vốn

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy đến hết ngày 20.1, đã có 2,02 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bằng 37,8% so cùng kỳ.
Trong đó, có 47 dự án mới được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, với 1,3 tỉ USD, giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm 2020. 46 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt trên 472 triệu USD, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước. 194 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 220,8 triệu USD, giảm hơn 78% về số lượt góp vốn và giảm gần 59% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam có lợi thế đã ký kết loạt hiệp định thương mại tự do lớn như RCEP, CPTPP, UVFTA... Phải cải cách thể chế, dọn sẵn hạ tầng tốt, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh để đón các dòng vốn khác, đừng chăm chăm vào mỗi dòng vốn rời Trung Quốc, nếu có
Chuyên gia Đỗ Hòa
Nhận xét về con số này, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng tháng 1, do có sự chuyển tiếp giữa luật Đầu tư 2014 và luật Đầu tư 2020, nên đã ảnh hưởng tới tình hình cấp mới, điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh vốn tại các địa phương đang gặp khó khăn do Nghị định hướng dẫn luật Đầu tư 2020 chưa ban hành.
Thứ hai, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia cũng làm ảnh hưởng tới việc đi lại cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án của các nhà đầu tư. Thế nên, vốn FDI giảm là điều dễ hiểu.
Một lý do khác là trong tháng 1.2020, có dự án khủng với tổng đầu tư 4 tỉ USD điện khí Bạc Liêu khiến vốn FDI cùng kỳ năm ngoái tăng vọt. Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tháng 1 năm nay sẽ tăng gần 52% so với cùng kỳ.
Chuyên gia tư vấn đầu tư Nguyễn Nam Sơn nhận định một năm đại dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều kế hoạch đầu tư đều bị chậm hoặc hủy bỏ. Thế nên, FDI vào Việt Nam giảm cũng nằm trong xu thế đó. Tháng đầu năm không có các dự án tỉ USD, nhưng đổi lại, các dự án đã đầu tư lại tăng vốn đáng ghi nhận.
Trong đó, đáng chú ý là Công ty Intel Products Việt Nam (thuộc Tập đoàn Intel, Mỹ) nhận giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh dự án tăng thêm 475 triệu USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP). Như vậy, đến nay, Intel đã đầu tư vào Việt Nam gần 1,5 tỉ USD.
Theo đại diện Intel Products Việt Nam, bắt đầu sản xuất từ năm 2010, đến năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu lũy kế của Intel đạt trên 50 tỉ USD và tạo ra gần 7.000 việc làm, trong đó có 2.700 nhân viên Intel. Khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10. Intel cũng tái khẳng định nhà máy tại Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất của Intel trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng còn quá sớm để có nhận định FDI tăng hay giảm chỉ trong tháng đầu năm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Giải ngân tăng mạnh

Đặc biệt, một tín hiệu tích cực liên quan vốn FDI là tỷ lệ vốn giải ngân lại tăng mạnh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong tháng 1.2021, đã có 1,51 tỉ USD vốn được đưa vào thực hiện, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa nhận định: “Giải ngân tăng là yếu tố cực kỳ tích cực trong đầu tư. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam là một thị trường đầu tư ổn định, có tiềm năng, cải cách có chiều hướng tích cực hơn nhiều... Tạo môi trường ổn định cho nhà đầu tư là yếu tố quan trọng giúp việc giải ngân nhanh hơn, nhiều hơn. Với con số giải ngân ngay trong tháng đầu năm hơn 1,51 tỉ USD là điểm sáng đáng ghi nhận. Theo đó, việc gia tăng sản xuất, tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội, tăng thu nhập, tăng mua sắm... kích thích nền kinh tế phát triển tốt hơn. Bởi cho đến lúc này, nên nhớ, nhiều nước vẫn đang trong vòng xoáy phong tỏa vì Covid-19, Việt Nam đỡ hơn và bình yên hơn các quốc gia khác rất nhiều”.
Về khả năng thu hút những dự án FDI lớn trong năm nay, ông Đỗ Hòa cho biết ông đọc được đâu đó một nhà quản lý đầu tư nước ngoài bảo rằng Việt Nam thành công thu hút FDI trong làn sóng rời Trung. Nhưng câu chuyện đó nên khép lại. Trong năm 2020, trước những đòn trừng phạt về thuế mạnh mẽ đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ của ông Trump, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cho ra kết quả là đến 75% doanh nhân Mỹ trả lời họ đang kinh doanh tốt tại Trung Quốc, không muốn rời nơi đây, xây nhà máy mới tại quốc gia khác. Bên cạnh đó, Trung Quốc trong năm qua cũng đã nhượng bộ không ép nhà đầu tư ngoại chuyển giao công nghệ và mở rộng hơn đối với thị trường tài chính.
“Câu chuyện thu hút FDI trong năm nay là nên chủ động. Việt Nam có lợi thế đã ký kết loạt hiệp định thương mại tự do lớn như RCEP, CPTPP, UVFTA... Phải cải cách thể chế, dọn sẵn hạ tầng tốt, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh để đón các dòng vốn khác, đừng chăm chăm vào mỗi dòng vốn rời Trung Quốc, nếu có”, vị này nhấn mạnh.
Việt Nam nên chủ động thay đổi chính sách theo chiều hướng tạo sân chơi minh bạch, tạo thị trường có sức mua hấp dẫn hơn... không nên thụ động ngồi chờ hay phán đoán họ rời thị trường đó, chắc sẽ sang mình. Không nên kỳ vọng vào những yếu tố mang tính may rủi hơn là chủ động xây dựng chiến lược.
Chuyên gia Đỗ Hòa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.