Điện trên mái nhà vẫn ì ạch

23/08/2018 16:40 GMT+7

Ngày 23.8, tại TP.HCM, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và nhóm Công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) tổ chức hội thảo "Nhìn lại một năm thực hiện Quyết định 11 và Thông tư 16 về phát triển điện mặt trời".

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 1.6.2017, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam bằng việc ban hành cơ chế giá mua điện. Một điểm đáng chú ý của Quyết định này chính là việc quy định mua điện trên mái nhà, được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng xã hội hóa đầu tư vào ngành điện để giảm tải nguồn cung ở các tỉnh phía nam.
Bổ sung 19.300 MW điện
Theo Bộ Công thương, sau hơn một năm Quyết định 11 đi vào cuộc sống trên cả nước có đến 286 dự án điện mặt trời được đề nghị bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất lên đến 19.300 MW; trong số này có khoảng 100 dự án được phê duyệt. Riêng điện mặt trời trên mái nhà nối lưới mới chỉ có 748 hộ trên cả nước. Lí do có ít dự án điện trên mái nhà nối lưới do khó khăn về kỹ thuật đấu nối, cân bằng, an toàn lưới điện, khả năng đáp ứng của hệ thống…
Các đại biểu cho rằng, đây là những con số còn rất hạn chế so với tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam và nhu cầu tiêu thụ, sản xuất điện của xã hội. Nguyên nhân theo các nhà đầu tư, thủ tục để triển khai một dự án điện mặt trời hiện nay còn mất nhiều thời gian. Quyết định 11 có hiệu lực đến cuối tháng 6.2019, nên nhiều dự án sẽ không chạy kịp tiến độ để hưởng cơ chế giá. Các nhà đầu tư lo “lỡ hẹn” sẽ không ký được hợp đồng bán điện và chưa biết chính sách mới ra sao. Theo ông Trần Phước Hiền, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi, địa phương đang có nhiều dự án điện mặt trời, khó khăn của các dự án này chính là vốn. So với các dự án điện truyền thống, điện mặt trời vẫn còn mới và khó huy động vốn từ các ngân hàng.
Nhưng điều mà ông Hiền quan tâm hơn lại chính là sự phát triển của các dự án điện trên mái nhà. Theo ông Hiền, thời gian gần đây Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo sợ thiếu nguồn cung điện trong thời gian tới, không nên chỉ dành sự quan tâm cho các dự án lớn, tập trung mà có thể huy động cả xã hội cùng tham gia bằng việc lắp các tấm pin điện mặt trời nối lưới. Phải phát huy sức mạnh của toàn xã hội để giải quyết bài toán nguồn cung điện.
TP.HCM có thể phát triển 100 triệu m2 điện mặt trời trên mái nhà
Ông Đặng Quốc Toản, Giám đốc GreenAsia, nói: Con số mới chỉ có 748 dự án điện trên mái nhà nối lưới trong hơn một năm qua cho thấy sự lãng phí tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam. Tại TP.HCM, nơi cần nguồn phụ tải lớn nhất cả nước, theo Ngân hàng Thế giới (WB) thành phố có khả năng phát triển điện mặt trời trên mái nhà với diện tích ít nhất 100 triệu mét vuông. Bổ sung vào nguồn cung điện, giảm phụ tải ngay tại chỗ rất lớn. Bài học kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc là hỗ trợ kinh phí đầu tư cho người dân, Ấn Độ là cho vay không lãi suất…
Tại hội thảo, GreenAsia và Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) đưa ra sáng kiến phát động phong trào “Triệu ngôi nhà xanh vì Việt Nam thịnh vượng”. Chương trình khởi động từ tháng 7.2018, hướng đến năm 2030 toàn Việt Nam sẽ có ít nhất 1 triệu ngôi nhà lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Theo tính toán, sẽ có khoảng 3.000 MW điện mặt trời từ nguồn trên mái nhà bổ sung vào lưới điện quốc gia (Thủy điện Hòa Bình hiện tại có tổng công suất 1.920 MW).
Tiêu chí quy hoạch đô thị
Trong một cuộc hội thảo khác gần đây, TS Trần Duy Châu, chuyên gia nghiên cứu và phát triển thuộc Tập đoàn điện lực EDF (Pháp), cho hay tiềm năng điện mặt trời tại TP.HCM là rất lớn, Chính phủ cũng có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, thị trường cung ứng công nghệ và thiết bị cũng đang dần hình thành. Để phát triển điện mặt trời, TS Châu đề xuất trong quy hoạch đô thị cần đưa điện mặt trời trên mái nhà thành một tiêu chí; đây cũng là kinh nghiệm tại TP.Angers (Pháp). Tại Pháp có chính sách ưu tiên cho các tòa nhà có hiệu suất năng lượng cao...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.