Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết vừa gửi công văn số 85/2020 đến Cục thuế tỉnh Cà Mau về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hoạt động chế biến thủy sản.
Theo phản ánh, đầu tháng 6 các doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau đã nhận được thông báo của Cục Thuế tỉnh Cà Mau về việc điều chỉnh kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ kỳ tính thuế năm 2015 đối với hoạt động chế biến thủy sản. Trong đó, vấn đề nổi cộm là việc áp dụng một số văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của Tổng cục thuế khiến cho đa số các sản phẩm thủy sản chế biến bị quy là “sơ chế” dẫn đến các doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN. Cụ thể, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ được phép áp dụng mức thuế suất TNDN là 10% nếu nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc là 15%, nhưng nếu là hàng sơ chế thì vẫn phải áp dụng thuế TNDN 20%.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng các mặt hàng đầu ra đa số là các sản phẩm đã qua chế biến dù thành phẩm vẫn còn là hàng tươi sống đông lạnh như sản phẩm cá tra fillet đông lạnh, tôm sú nguyên con đông lạnh, mực cắt khoanh đông lạnh… Vấn đề này đã được các doanh nghiệp và VASEP kiến nghị nhiều lần từ đầu năm 2018 đến nay. Báo Thanh Niên cũng có phản ánh về bất cập này nhưng vẫn chưa có kết quả.
Trong thời gian chờ văn bản chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phân biệt giữa sản phẩm sơ chế và chế biến, VASEP đề nghị Cục thuế tỉnh Cà Mau xem xét giải quyết đối với doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề kinh doanh là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản (mã ngành 1020) và có nhà máy chế biến thủy sản được ưu đãi thuế TNDN theo Nghị định 12/2015 của Chính phủ khi thỏa các điều kiện quy định.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP nhấn mạnh các định nghĩa về sản phẩm chế biến và sơ chế không rõ ràng, khó áp dụng trong thực tế. Những giải thích về sản phẩm như thế nào sẽ được coi là “sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào”, khái niệm “sơ chế thực phẩm” và “chế biến thực phẩm” của Bộ Tài chính cũng khác với hướng dẫn tại Luật An toàn Thực phẩm 2010…
Ông Hòe ví dụ: Nếu sản phẩm từ lúa chỉ đơn giản qua xay xát thành gạo thì được gọi là chế biến nhưng từ con tôm nguyên liệu, doanh nghiệp chặt đầu, lột vỏ và đóng gói thì vẫn bị cho là sơ chế. “Con tôm không có thay đổi tên dù trải qua nhiều công đoạn hơn từ lúa thành gạo. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp chủ yếu tự kê khai thuế TNDN với mức thuế suất ưu đãi khi thấy đủ điều kiện. Nếu các cơ quan thuế điều chỉnh quyết toán thuế từ năm 2015 đến nay, đồng nghĩa doanh nghiệp không chỉ ở Cà Mau mà ở nhiều tỉnh thành khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, An Giang... sẽ bị tăng thuế TNDN. Việc bị truy thu thuế đó sẽ gây khó khăn cho hoạt động các công ty, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của ngành thủy sản”, ông Hòe nhấn mạnh.
Bình luận (0)