‘Đo’ tài sản tỉ phú Việt khi cổ phiếu lao dốc

23/06/2018 18:04 GMT+7

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh khiến tài sản của các tỉ phú USD đi xuống. Riêng tài sản tỉ phú Phạm Nhật Vượng vẫn gia tăng nhiều so với đầu năm.

Cụ thể đến sáng nay 23.6, theo công bố của Forbes, giá trị tài sản của tỉ phú Phạm Nhật Vượng là 6,8 tỉ USD, đứng vị trí thứ 235 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Nếu so với lượng tài sản trị giá tới 7,5 tỉ USD vào ngày 10.4, số tài sản của ông Vượng giảm đi 700 triệu USD. Tuy nhiên so với công bố của Forbes hồi đầu tháng 3 về danh sách các tỉ phú năm 2018 với tài sản của ông Vượng là 4,3 tỉ USD thì đến nay khối tài sản này đã tăng đáng kể. Tương tự nếu so với vị trí thứ 499 trên bảng xếp hạng đầu năm thì hiện nay ông Vượng tăng thêm 264 bậc.
Tài sản của ông Vượng tăng vọt thời gian qua chủ yếu do giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup liên tục lập đỉnh mới trên thị trường chứng khoán. Hồi đầu tháng 3, giá VIC khoảng 95.000 đồng/cổ phiếu thì đến nay lên 123.000 đồng/cổ phiếu, mức tăng hơn 30%.
Mới đây, Công ty cổ phần Vinhomes, đơn vị phát triển biệt thự và căn hộ dịch vụ cao cấp tại những thành phố lớn của Vingroup đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Hiện hệ thống của Vingroup có 3 doanh nghiệp niêm yết, gồm Vingroup, Vincom Retail và Vinhomes. Ông Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên được tạp chí Forbes xếp vào danh sách tỉ phú vào tháng 3.2013 và là tỉ phú USD đầu tiên của Việt Nam với tài sản khoảng 1,5 tỉ USD.
Thế nhưng, ngược lại với ông Phạm Nhật Vượng, 3 tỉ phú USD của Việt Nam còn lại trong bảng xếp hạng của Forbes đều bị giảm về giá trị tài sản so với bảng xếp hạng vào tháng 3. Cụ thể, tỉ phú đô la thứ hai của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sáng nay có vị trí 833 trong bảng xếp hạng người giàu nhất hành tinh với tài sản 2,9 tỉ USD. Nếu so với danh sách người giàu 2018 trước đó của Forbes thì tài sản bà Thảo giảm đi 1 tỉ USD, tương ứng bị tụt lùi 67 bậc. Điều này có thể dễ hiểu khi cổ phiếu VJC của Vietjet Air giảm gần 13% so với mức trên 200.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 3 và HDB của ngân hàng HDBank cũng đi xuống gần 10%. Đây là năm thứ hai nữ doanh nhân này lọt vào danh sách tỉ phú đô la trên thế giới.
Hai gương mặt tỉ phú mới của Việt Nam lần đầu có mặt  trong danh sách người giàu nhất hành tinh đầu năm nay là ông Trần Bá Dương của Tập đoàn ô tô Trường Hải và ông Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát. Đến nay ông Trần Bá Dương đứng ở vị trí 1.386 với tài sản trị giá 1,7 tỉ USD, giảm 100 triệu USD so với đầu tháng 3 và giảm 47 bậc trên bảng xếp hạng.
Tương tự, ông Trần Đình Long đang có tài sản trị giá 1,2 tỉ USD, đứng vị trí 1.913 trong danh sách hiện tại. Như vậy, tài sản ông Long cũng giảm đi 100 triệu USD và giảm 157 bậc so với mức xếp hạng năm 2018 trước đó.
Tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nằm trong danh sách người giàu nhất hành tinh Ngọc Thắng
Ông Trịnh Văn Quyết "bay" 1,5 tỉ USD
Trong số 4 tỉ phú đô la của Việt Nam được Forbes xếp hạng, nếu tính theo thị giá cổ phiếu thì ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Trần Đình Long đang dẫn đầu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC (FLC) và Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) chưa được Forbes bình chọn lần nào dù năm 2017 đã vươn lên đứng nhì trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, cổ phiếu ROS và FLC liên tục sụt giảm không phanh trong thời gian qua khiến tài sản của ông Quyết "bay hơi" nhanh chóng. Hiện nay ông Trịnh Văn Quyết chỉ còn sở hữu khoản tài sản trị giá hơn 17.300 tỉ đồng so với khối tài sản hơn 56.000 tỉ đồng vào cuối năm 2017 bởi giá mỗi cổ phiếu ROS trong vòng 3 tháng qua lao dốc mạnh từ hơn 130.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh sau khi phát hành thêm cổ phiếu) đến hiện nay chỉ còn 43.250 đồng, giảm hơn 65%. Đồng thời FLC từ giá 7.000 đồng/cổ phiếu nay cũng giảm về còn 5.000 đồng/cổ phiếu, mất đi gần 30% .
Chính sự lao dốc hai cổ phiếu này đã đưa tài sản của “đại gia” họ Trịnh bay hơn gần 34.500 tỉ đồng chỉ sau nửa năm, tương đương mất đi hơn 1,26 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.